Nó gật đầu vẻ nghiêm túc. “Cô cứ bảo nếu cần con giúp gì. Con rành sắp
xếp giấy tờ và mấy việc linh tinh khác,” con bé nói.
Tôi nhìn nó, băn khoăn không biết nó có hoài bão thật sự nào không, và
liệu tôi có thể làm gì để giúp nó đi đúng hướng. Hay ít nhất là cho nó vào
đại học để làm được việc gì hơn là sắp xếp giấy tờ. “Được, lúc này bọn cô
đang chuẩn bị cho công đoạn tiền sản xuất và dự toán kinh phí,” tôi nói.
“Năm ngoái phim của bọn cô được phát vào thứ Năm, nhưng bọn cô vẫn
còn phải xem xem mình đương đầu với ai nữa.”.
“Vậy là vẫn chưa quay hay làm gì cả?” nó hỏi, trông thất vọng.
Tôi lắc đầu. “Chưa. Bọn cô chỉ thảo luận các tình tiết, viết đề cương và
kịch bản phác thảo để bên xưởng phim và hãng nhận xét. Rồi còn những là
chọn diễn viên khách mời, điều hành dàn diễn viên và đoàn làm phim, phê
duyệt kế hoạch chi tiết cho các cảnh quay mới, làm việc với các bộ phận
ánh sáng và quay phim, làm tóc và hóa trang, nhân viên hậu đài và điện, cả
âm thanh nữa. Còn phải theo dõi xem chương trình sẽ được quảng bá ra
sao.”.
“Chà,” nó nói. “Nhiều việc quá.”.
“Phải. Con nói vậy cũng đúng,” tôi nói, vớ lấy vài cây bút chì vàng gọt
nhọn hoắt, cuốn sổ gáy lò xo, và cái iPad trên bàn. “Nhưng khi xem chương
trình của mình được phát sóng thì cũng đáng... Sẵn sàng chưa?”.
Nó gật. Tôi bèn đứng lên dẫn con bé đi xuôi hành lang đến phòng họp
dài, hẹp không có cửa sổ gọi là phòng kịch bản, hay đôi khi còn gọi là
phòng tra tấn. Bên trong nhóm nòng cốt của chúng tôi gồm sáu biên kịch
đang ngồi (tháng tới sẽ còn nhiều người nữa tham gia khi chúng tôi bắt đầu
khởi quay các tập phim). Họ đang bông đùa về mấy ngày nghỉ cuối tuần
vừa qua, mấy chủ đề trên báo, những ý tưởng khả dĩ cho cốt truyện. Chúng
tôi đã nộp đề cương khái quát cho ba tập đầu, tôi cũng đã phân công người
phụ trách kịch bản cho hai tập đầu nên chúng tôi chỉ cần tiếp tục công việc
tuần trước, nghĩ thêm nhiều tình tiết nữa và xử lý nhiều phân cảnh khác
nhau cho nhân vật.