“Bà ấy đang chờ em à?” Javier hỏi, tò mò quan sát nhanh tôi một lượt.
Tôi hốt hoảng, lo rằng anh ta đã được báo trước là có thể một đứa choai
choai khích động nào đó sẽ xuất hiện. Rồi, khi nhớ ra rằng Belinda dặn tôi
không được hoảng hốt, nó thường khuyên tôi như vậy, tôi tự trấn an là
Javier không biết gì về mình cả - anh ta chỉ đang làm phận sự thôi. Nên, dù
sao thì cũng là phòng xa, tôi bèn mỉm cười, để ít nhất cũng không có vẻ gì
là đang khích động cả. Rồi tôi hắng giọng nói, “Phải... ý em là, rất có thể bà
ấy đang mong.”.
Theo nghĩa đen thì điều đó đúng. Có thể bà đang chờ tôi, mong tôi, hy
vọng tôi sẽ tới. Xét cho cùng thì đúng là bà đã ký vào văn bản nói rằng tôi
được quyền biết tên bà vào ngày sinh nhật thứ mười tám - mà một tuần
trước hẳn bà đã được nhắc cho nhớ. Hẳn bà có theo dõi sinh nhật tôi.
Chuyện đó có vẻ là điều tối thiểu mà một người đàn bà, bạn biết đấy, đã
sinh một đứa con ra rồi đem cho, có thể làm. Thậm chí, biết đâu năm nào
bà cũng cử hành riêng một thủ tục hay nghi lễ nho nhỏ nào đó. Bà có thể
nhấp sâm banh cùng bạn bè thân thiết hay với chính mẹ bà, tức bà ngoại
tôi. Có thể bà nướng bánh, mỗi năm lại thêm vào một cây nến. Tôi thắc
mắc bà có mê sô cô la như mình không. Hay biết đâu bà sẽ nói thói hảo
ngọt là di truyền từ bố đẻ của tôi. Chỉ mấy giây nữa thôi có lẽ tôi sẽ có
được câu trả lời.
Khi Javier quay lại bấm một cái nút trên bảng điều khiển lớn, tôi đã dứt
khoát tính bài chuồn. Nhưng rồi tôi cứ đứng ngây ra như mấy pho tượng
cẩm thạch đặt ở hai bên thang máy, thậm chí còn nín thở trong lúc mường
tượng giọng nói của bà hỏi xem ai muốn gặp mình. Nhưng chỉ có một âm
thanh điện tử kêu to đáp lại rồi Javier quay qua tôi mà nói, “Em lên được
rồi!” và khoát tay nghiêm trang về phía thang máy.
Tôi xem đó là một dấu hiệu tốt lành. Như vậy là tính bà thuộc dạng niềm
nở, chưa biết ai ngoài cửa mà đã cho vào thăm. Nhưng trái lại, cũng có khi
bà tưởng nhầm tôi là ai khác. Có lẽ bà có một đứa con gái thật đang chạy ra
cửa hàng mua kẹo cao su hay sữa gì đấy, nhưng thường xuyên quên chìa
khóa.