tranh cãi rất nhiều khi khánh thành vào năm 1959. Ông mất mười lăm năm
và phải phác họa tới bảy trăm lần mới ra được bản thiết kế đó, bà nói, rồi
bật cười và lại nói thêm, “Ông ta từng nói rằng nó sẽ làm cho Bảo tàng
Nghệ thuật Metropolitan trông như cái nhà kho của người theo đạo Tin
lành. Con thấy sao?”.
“Con thích nó,” tôi đáp, vẫn hơi cảm thấy chút gì đó vừa sợ sệt vừa oán
giận, băn khoăn không biết mình trả lời có đúng ý bà không. “Nó trông khá
tuyệt.”.
“Cô mê nó,” bà nói. “Cô muốn nói Metropolitan vốn dĩ là vậy, nhưng nơi
này là một trong những chỗ ruột của cô trong thành phố. Con muốn vào
không?”.
Tôi nhún vai và gật đầu, rồi theo bà vào trong tiền sảnh lạnh lẽo, tối om.
Bà đi thẳng tới quầy vé, còn tôi thì thơ thẩn đi tới giữa cái sảnh, há hốc
miệng nhìn lên khoảng trần hở xoáy trôn ốc thông lên đến trần. Cũng như
bên ngoài, kiến trúc bên trong chẳng hề giống với bất cứ thứ gì tôi từng
thấy. Có vẻ nhiều người cũng nhất trí với tôi, vì tầng trệt tràn ngập du
khách nghểnh cổ nhìn lên trần, chụp ảnh. Tôi lấy điện thoại chụp một tấm
rồi gửi cho Belinda kèm tin nhắn (đâu như là lần cập nhật tin tức thứ tư từ
lúc tôi tới): Đang ở Guggenheim. Bà ấy khá đẳng cấp. Kể thêm sau.
Tôi chợt nghĩ mình lại đang thêm thắt về chuyến đi rồi, nghe lạc quan
hơn cảm giác thật của tôi cho tới lúc này. Rồi tôi thấy mình tự hỏi rằng
đang cố chứng tỏ điều gì, nhất là khi Belinda nhắn lại: Trời. Tuyệt quá!
Chụp bà ấy một tấm đi!
Tôi cất điện thoại vào trong túi xách, thầm nghĩ đừng có mơ, và thong
thả cùng Marian đi lên hết các tầng của bảo tàng. Marian lại tiếp tục bình
luận với cái giọng ôn tồn, thông thạo. Bà kể rằng, lúc đầu, bảo tàng không
chỉ bị giới kiến trúc chỉ trích, mà còn bị nhiều nghệ sĩ phản đối vì cho rằng
kiểu tường cong và ngóc ngách không thể hiện đúng tác phẩm của họ.
Nhưng tôi nhận ra mình không thể tập trung vào lời bà, hay các công trình,
cũng như tờ báo ban nãy, mà chỉ chú ý giọng nói và vẻ mặt của bà sáng lên
mỗi khi chỉ vào mấy bức tranh của Chagall và Picasso ưa thích.