nàng ranh ma vô ơn bạc nghĩa đó đã bảo với ngài Wallace rằng cô
không thể lấy anh ta làm chồng.
“Tại sao?” bà Elizabeth lạnh lùng cật vấn vẻ không tán thành.
“Tai của anh ta, bác Elizabeth, tai của anh ta ấy,” Emily nói
chẳng chút nhã nhặn. “Cháu thật tình không thể đánh liều để con cái
cháu thừa hưởng đôi tai như thế được.”
Câu trả lời khiếm nhã đến mức ấy khiến bà Elizabeth lảo đảo suýt
ngã; có lẽ chính thế nên Emily mới có thái độ đó. Cô biết bà Elizabeth
sẽ e ngại không dám đả động đến chủ đề này nữa.
Cha James Wallace cho rằng ngài có “bổn phận” phải tới miền
Tây vào mùa xuân năm sau. Và chuyện thế là xong.
II
Sau đó, có một chương trình sân khấu của thị trấn Shrewsbury bị
chê bai chua cay trên một tờ báo ở Charlottetown. Dân Shrewsbury
bèn quy vụ đó cho Emily Byrd Starr. Nào còn ai khác, họ cật vấn, lại
có khả năng, hay lại viết, với cái giọng điệu châm biếm và sự tài hoa
độc địa như thế chứ? Ai mà chẳng biết Emily Byrd Starr chưa bao giờ
tha thứ cho người dân Shrewsbury vì đã tin vào những câu chuyện bịa
đặt về cô trong vụ lùm xùm ở ngôi nhà cũ của ông John. Đây chính là
phương pháp trả thù của cô. Nó chẳng giống phong cách Murray sao?
Âm thầm ấp ủ mối hận thù trong bao nhiêu năm dài, cho tới khi một
cơ hội trả thù thích hợp tự mình lộ diện. Emily hoài công khăng khăng
mình vô tội. Chẳng tài nào tìm ra được ai là người đã viết bài báo đó,
và vậy là cái tội danh đó cứ đeo đẳng cô cho tới tận cuối đời.
Nhưng, xét trên một phương diện nào đó, chuyện lại thành có lợi
cho cô. Sau vụ việc, chẳng có sự kiện xã hội nào ở Shrewsbury mà cô
lại không được mời. Người ta chỉ sợ hễ gạt cô ra ngoài lề là cô sẽ “đưa
họ lên báo” ngay. Cô không thể nhận lời hết được - Shrewsbury cách