- Dung Dung mở ra xem đi. Tôi đứng bên được rồi.
Biết chàng ngại, nàng ngước lên mỉm cười:
- Trương huynh là người đi lại giang hồ mà vẫn thủ lễ như người đóng
cửa ở nhà đọc sách vậy. Thảo nào Đinh huynh cứ gọi là “đồ gàn”.
Văn Hiến đỏ mặt nói:
- Dung Dung cứ tự nhiên mở tranh coi đi. Tôi đứng được rồi.
Nàng không nói nữa, vội vàng mở nút ống trúc lấy ra một bức họa
bằng vải, hai tay nàng run run từ từ mở ra. Đó là bức họa bán thân của một
thiếu nữ với khuôn mặt đẹp, rất đẹp, phảng phất rất nhiều nét giống nàng.
Đôi mắt người trong tranh thật u buồn, nỗi buồn của phận hồng nhan bạc
bẽo. Nhờ nét bút tài tình của người họa sĩ, ánh mắt như có linh hồn, như
muốn kể lể với người xem tranh về cuộc đời lênh đênh của một cánh hoa đã
trôi dạt trong dòng đời nghiệt ngã. Nước mắt Dung Dung rươm rướm rồi
chảy thành dòng xuống má, rơi lên vạt áo. Nàng ngồi nhìn bức tranh ngơ
ngẩn. Văn Hiến vội rút chiếc khăn trong người mình lặng lẽ đặt lên bức
tranh, sợ nước mắt sẽ làm nhòe đi nét mực. Dung Dung giật mình vội đưa
bức họa ra xa. Nàng hơi dịch người ra ngoài mỏm phiến đá, Văn Hiến biết
ý bèn ghé người ngồi một bên. Sau một lúc im lặng, nàng nói nhỏ:
- Đây là ngoại tổ mẫu của tôi. Năm 1678, ngoại tổ của tôi là Ngô Tam
Quế xưng hoàng đế chống lại nhà Thanh nhưng vì không được sự ủng hộ
của mọi người nên thất bại liên miên và năm tháng sau khi xưng đế người
qua đời. Ngoại tổ mẫu Viên Viên hay tin cũng tự sát theo tại một ngôi chùa
bên ngoài thành Côn Minh. Họ có một người con gái duy nhất là ngoại tôi.
Một người cháu của ngoại tổ là Ngô Thế Phiên lên nối ngôi, tiếp tục cuộc
chiến đấu nhưng vào năm 1681 thì bị quân Mãn Thanh bao vây, vì cùng
đường nên đành phải tự sát. Sau khi triều đình Vân Nam bị tiêu diệt, nhà
Thanh truy lùng nhổ cỏ tận gốc con cháu họ Ngô, ngoại tôi may mắn được