một gia tướng trung thành họ Dương cứu thoát đem đi trốn tận vùng núi
gần Phúc Kiến. Hai người phải thay tên đổi họ để tránh tai mắt nhà Thanh.
Ngoại tôi lấy lại họ Trần của mẹ mình, gia tướng họ Dương thì thêm vào
chữ Âu phía trước thành họ Âu Dương. Ông ta vẫn giữ phận thần tử lo lắng
cho ngoại tôi như một tôi thần trung thành đối với công chúa. Sau, họ Âu
Dương cưới vợ và sinh một người con trai, chính là cha của Âu Dương
Long bây giờ. Ngoại tôi đến bốn mươi tuổi mới được một thương gia giàu
có ở Phúc Kiến biết tới và xin cưới về. Họ sinh ra mẹ tôi.
Văn Hiến với tay lấy bình nước treo trên lưng con ngựa của Dung
Dung đứng cạnh đó, mở nắp ra rồi đưa cho nàng. Dung Dung uống một
hớp rồi trao lại cho chàng. Văn Hiến hỏi:
- Sau đó bá mẫu gặp Lý vương gia và họ cưới nhau phải không?
Dung Dung ngồi im lặng, nước mắt lại tuôn trào chảy dài trên hai gò
má mịn màng, long lanh như những viên ngọc lăn trên tấm lụa ngà. Khuôn
mặt đẫm lệ đó càng khiến nàng đẹp đến nao lòng. Văn Hiến sững người
nhìn nét kiều diễm ấy, lòng không khỏi thầm nghĩ: “Nhan sắc khuynh thành
là đây, thảo nào Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế ngày xưa chỉ vì một Trần
Viên Viên mà nghiêng đổ giang san!”. Dung Dung chợt quay lại và bắt gặp
Văn Hiến đang ngẩn người nhìn mình, nàng e thẹn hỏi:
- Trương huynh đang nghĩ gì vậy?
Văn Hiến giật mình bối rối định chối quanh nhưng tính chàng vốn thật
thà nên ngượng ngùng đáp:
- Ơ... tôi... bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngày xưa ngoại tổ của công chúa
dám đạp đổ mọi thứ để giữ cho được ngoại tổ mẫu.
Dung Dung hiểu ý tứ trong câu nói đó nên mặt nàng đỏ bừng lên vì
thẹn và vui sướng. Nàng hỏi nhỏ: