- Tôi cũng chỉ biết sơ sơ thôi, không dám gọi là diệu thủ đâu. E là chỉ bõ
làm trò cười cho Tiểu Hồng.
- Anh đừng khiêm tốn. Tính anh Lâm, Tiểu Hồng biết rõ, anh ấy chẳng nói
thêm bớt điều gì bao giờ. Tiểu Hồng tuy học qua nhiều thầy nhưng vẫn
chưa vừa ý. Cha có mua được bộ chữ Lan Đình Thiếp nguyên bản của
Trung Hoa nhưng tập mãi cũng không thấy thỏa mãn. Anh Sinh giúp Tiểu
Hồng đi.
- Đã vậy thì tôi sẽ thử.
- Anh Sinh tự mình nghiên cứu lấy hay học qua thầy?
- Tôi học những lý thuyết căn bản với cha từ bé. Sau đó cha giao cho bộ
chữ Lan Đình Thiếp và một số sách vở dạy về nghệ thuật tự họa để tôi tự
thực tập lấy.
- Vậy là anh có thiên khiếu bẩm sinh rồi. Tiểu Hồng tư chất ngu muội nên
loay hoay mãi mà chẳng được gì.
- Chỉ nghe nói thôi tôi đã biết Tiểu Hồng là một tay danh họa rồi.
Tiểu Hồng tròn xoe đôi mắt bồ câu đen lay láy của nàng hỏi:
- Căn cứ vào đâu mà anh nói vậy?
- Chân lý của nghệ thuật cũng gần như “Đạo” vậy. Thư họa là một loại hình
nghệ thuật bị ảnh hưởng rất lớn, gần như tuyệt đối bởi tâm hồn người thể
hiện nó. Một tâm hồn trong sáng, khiêm cung cộng với sự đam mê sẽ được
thể hiện rõ qua nét họa của người đó. Tiểu Hồng hội đủ những điều kiện tối
ưu này.
- Anh đánh giá Tiểu Hồng quá cao rồi. Cảm ơn anh. Anh nói rõ hơn về đạo
và nghệ thuật đi.
- Về thư họa, tinh thần của nét họa tồn tại ở tâm con người, còn hình thể
tồn tại ở sách vở. Lý thuyết vỡ lòng nhưng căn bản nhất của nghệ thuật tự
họa là “ý tại bút tiên”. Tâm hồn trong sáng, bình lặng thì nét họa sẽ có thần.
Tâm hồn vẩn đục, nóng nảy nét họa sẽ chết cứng. Sách vở dạy ta lý thuyết
để thực hành nhưng ta cần phải quên nó đi thì khi viết hay vẽ nét bút mới
truyền đạt được cái thần của người. Giống như lý thuyết ngón tay chỉ trăng
của Phật giáo vậy: “Ngón tay là phương tiện, là Phật pháp. Mặt trăng là
chân lý, là giác ngộ”. Phật pháp là phương tiện để đạt đến chân lý hay sự