Nguyễn Khoa Kiên thất kinh hỏi:
- Tống Phước Hiệp bị bại rồi ư? Hiện giờ ông ta ở đâu?
- Ông ta hiện như người mất hồn, đang trên đường trở về phủ Quy Nhơn.
Bọn giặc đốt quân ta xong, thấy trời đổ mưa cứu sống mười mấy người của
Tống Phước Hiệp nên có lẽ đã động lòng mà để lại cho họ một số ngựa và
thả về. Một người trong bọn họ chạy đến đây báo tin cho ta hay rồi lặng lẽ
bỏ đi. Hắn nói sẽ trở về nhà sống ẩn dật, không dây vào vòng tranh chấp
của thế sự nữa.
- Bây giờ tướng quân tính sao?
- Chúng ta giờ như rắn mất đầu, không thể một mình lẻ loi chiến đấu được.
Vì có chiến đấu cũng chỉ hi sinh binh sĩ một cách vô ích mà thôi. Chi bằng
ta cứ rút quân về Quy Nhơn rồi mọi việc tính sau.
- Vậy phải đi cho mau, nếu không bọn cướp đuổi theo và chặn hai mặt tấn
công chúng ta sẽ nguy hiểm lắm.
- Đúng vậy. Hãy cho toán quân lương đi sau cùng, nếu giặc có đuổi theo cứ
vung đồ quân lương quân dụng lại cho bọn chúng cướp lấy. Chúng ta hãy
bảo toàn tính mạng của quân sĩ trước.
- Tướng quân thật là cơ trí. Thôi chúng ta rút lui mau.
Hai người bàn định xong liền lệnh cho ba quân cứ để yên trại đó mà rút lui
thật nhanh. Khi bọn Trần Lâm kéo quân đến, đại quân của họ đã bỏ chạy
khá xa chỉ còn lại những trại không. Toán cảm tử quân vì phải đợi lệnh của
Trần Lâm nên khi đội thiết kỵ đến hợp quân mới đuổi theo nhưng cũng chỉ
đoạt được những đồ lương thảo, khí giới. Toán quân còn lại của Nguyễn
Văn Hưng và Nguyễn Khoa Kiên nhờ thế mà chạy về đến phủ Quy Nhơn
an toàn.
Trần Lâm cho quân thu thập chiến lợi phẩm rồi chia đều cho những nghĩa
binh có công tham gia trong trận chiến này, còn lương thực thu được cho
mang về Truông Mây. Chàng nói với Thiên Tường cùng anh em:
- Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Khoa Kiên đều là những tướng tài. Họ bỏ
chạy mà rất chu chỉnh trong phương cách, vì thế mới giúp bảo toàn được
lực lượng binh sĩ. Họ đã áp dụng đúng “tẩu kế” của Tôn Tử ngày xưa. Đệ
và anh em nên lưu ý điểm này.