Thiên Tường nói:
- Cảm ơn Lâm ca chỉ điểm. Đệ sẽ ghi nhớ.
- Bây giờ chúng ta kéo toàn bộ xuống Phù Ly xem tình hình của tứ ca và
các cánh quân thủy ở Đề Gi, An Dũ thế nào. Đệ cho một số anh em đưa các
thương binh và lương thảo về Truông Mây, dặn họ mời đại ca xuống Phù
Ly luôn thể.
Thiên Tường vâng dạ rồi cho thi hành lệnh. Sau đó, họ theo đường núi từ
đèo Màn Lăng kéo xuống huyện thành Phù Ly.
Trần Lâm và đội quân thiết kỵ về đến Phù Ly, chú Nhẫn cho hay quân phủ
Quy Nhơn của Phan Ngọc Chánh sau khi nghe tin đại binh của Nguyễn
Phúc Hương bị đại bại đã cho dừng binh lại, không tiến đánh Phù Ly nữa
mà lo về phòng thủ thành Quy Nhơn. Trần Lâm thầm tiếc rẻ. Như vậy kế
hoạch “phản khách vi chủ” dự định bỏ trại Phong An để lẻn vào cướp thành
Quy Nhơn của Trương Văn Bảo đã không thực hiện được. Sự chết nhát của
Nguyễn Khắc Tuyên và Lưu Khâm vô tình lại bảo vệ được thành Quy
Nhơn.
Riêng về cánh quân ở Đề Gi, Võ Tiến và Nguyễn Cửu Thống tuy đã có
mấy trận giao tranh nhưng hai bên vẫn chưa bên nào chiếm được ưu thế.
Võ Tiến lúc đầu bị thiệt hại mất một số chiến thuyền và hơn năm mươi
nghĩa binh nên rút về cố thủ, sau nhờ có toán quân của Đặng Thông từ An
Dũ vào trợ giúp nên lực lượng có vẻ cân bằng trở lại. Lại nhờ số nỏ liên
châu lợi hại nên Võ Tiến đã giữ chặt được cửa Đề Gi, Cửu Thống đánh mãi
không thủng. Hiện giờ, khi nghe tin hai đạo quân kia bị thất bại, Cửu
Thống đã cho rút quân vào cửa biển Quy Nhơn để trù tính kế hoạch khác.
Trần Lâm nghe báo cáo tình hình thì lòng hết sức vui mừng. Như thế nghĩa
là tất cả các mũi tấn công của quân triều đình đã bị bẻ gãy. Nay họ tập trung
lực lượng ở Quy Nhơn như vậy thì việc đối phó sẽ dễ dàng hơn. Chàng bèn
cho thám báo đi dò la tin tức các nơi một lần nữa cho thật rõ ràng rồi mới
dành cho mình cùng Thiên Tường và toán quân thiết kỵ một ngày để nghỉ
ngơi dưỡng sức.
Nhắc lại Nguyễn Phúc Hương dẫn tàn quân chạy về huyện Mộ Hoa, ông
cho quân hạ trại bên ngoài rồi cùng với Trương Kế và Đỗ Thành Nhơn vào