bài thơ đuổi khách. Chẳng lẽ đây là cách tiếp đón người quen của Ái Trúc
Trai hay sao?
Tiếng đàn ngưng bặt. Ngô Thế Lân từ phía sau nhà bước lên. Đó là một
người tuổi khoảng bốn mươi, tuy ăn mặc rất đơn giản nhưng dáng dấp lại
thật phong nhã, thanh thoát, khoáng đạt. Ông vui vẻ nói:
- Ngọn gió lành nào đã đưa rồng đến nhà tôm vậy?
- Nay ông lại đem cả thói châm chích xã hội ra chọc bạn bè nữa hay sao?
Tôi đi đầu quân đã hơn mười năm mà chỉ giữ được chức hữu đội trưởng
nhỏ bé thì biết chừng nào mới được hóa thành rồng đây?
- Ông là con rồng nhưng lại tự đưa mình vào vũng nước ao tù nhỏ hẹp.
Phương Nam trời nước mênh mông một cõi, là nơi cho rồng thiêng vùng
vẫy, sao không vào đó mà chờ hội rồng mây?
- Ông định ví mình như Trạng Trình mà cho tôi lời khuyên “Nam phương
nhất đái, đoạt hội long vân” đó chăng?
- Có lẽ bây giờ ông không tin tôi. Khi nào ông cảm thấy chán cái cảnh ao tù
hiện nay thì hãy nghe lời tôi cũng chưa muộn. Giờ vào trong uống chung
rượu làng Chuồn đã.
- Như thế mới phải lẽ tiếp khách chứ.
Phía sau nhà có một gian lều trúc cất cạnh con suối, gió chiều từ phá Tam
Giang thổi lên, luồn qua kẽ trúc tạo thành một khúc nhạc đồng quê nghe
thật êm dịu. Ngô Thế Lân rót một chung rượu làng Chuồn mời Đỗ Thành
Nhơn rồi hỏi:
- Nghe nói đang có chiến tranh ở Quy Nhơn, sao ông lại được rảnh rỗi mà
ghé thăm tôi vậy?
Đỗ Thành Nhơn biết tính bạn nên sau khi uống cạn chung rượu xong liền
nói ngay vào vấn đề:
- Đại quân của quan tiết chế Phúc Hương vừa thua một trận tan tác ở Quy
Nhơn nên tôi mới phải về đây để cầu ông ra sức giúp đỡ cho.
Ngô Thế Lân cũng uống cạn chung rượu của mình rồi nói:
- Chí hướng của tôi từ lâu ông đã biết, sao còn đến đây nhắc những chuyện
ấy làm gì?