cuộc hôn nhân giữa cậu ta và vợ có thể thấy, một phần cũng là do
cậu ta quá mê đắm văn học, thờ ơ trước mọi sự đời. Cái tôi nghệ
thuật của cậu ta mãi mãi dừng lại ở cái tuổi 21 khi hỏi tôi về “rượu
Rum” và “Ngôi sao sáng”, mà không thấy trưởng thành thêm nữa.
Thỉnh thoảng cậu ta cũng làm thơ đưa tôi xem, trong thơ của cậu ta
rượu Rum vẫn chỉ là sự mãnh liệt, chứ hoàn toàn chưa có cái đẹp
trong đó. Còn ngôi sao cũng chỉ là thứ ánh sáng hoặc vẻ đẹp bề
ngoài. Nếu đã chẳng có tài bẩm sinh, chi bằng viết tiểu thuyết
còn hơn, vì dù còn đôi chỗ khiếm khuyết, nhưng nếu cứ viết theo
tình tiết tiến triển của câu chuyện, chí ít cũng thành tiểu thuyết.
Vì thế, việc cậu ta chuyển từ thơ sang tiểu thuyết cũng là điều tất
yếu. Trước khi gặp lại tôi, cậu ta còn nhận được giải thưởng người
viết mới trên một tạp chí không nhuận bút. Và nhờ hình thức này,
lần đầu tiên cậu ta nổi danh. Từ đó về sau, cậu ta còn đăng tiểu
thuyết ngắn trên tạp chí, lại còn tham gia vài lần trên trang nghệ
thuật mùa xuân ở địa phương, nhưng đó là tất cả những gì cậu ta có.
Đối với cậu ta, cánh cửa của cung điện văn học vẫn không mảy may
dịch chuyển, vẫn nghiệt ngã đóng chặt trước mặt. Càng như vậy, cậu
ta càng lại không thể nào viết nổi. Khi tìm đến tôi, cậu ta đã bị rơi
vào tình trạng bế tắc không lối thoát.
Tôi có một đứa con.
Năm hơn 20 tuổi, khi giấc mơ của tôi hướng đến cách mạng, tôi
đã có một cậu con trai với một phụ nữ nào đó. Khi tôi ra tù, nó học
trung học cơ sở. Khi tôi cho ra đời tập thơ đầu tiên, nó đã học lên
trung học phổ thông. Đương nhiên tôi hoàn toàn không hề kết hôn
với người phụ nữ đó, và cũng chẳng có tình cảm yêu đương gì. Tôi
chưa hề sống chung với thằng bé, nên đương nhiên cũng chẳng có
cảm giác gì nó là con của tôi. Tên của nó là Nye. Thằng bé tốt
nghiệp trường khoa học công nghệ rồi trở thành kỹ sư điện, khi mẹ
qua đời do bệnh xơ gan, nó đang theo một công trình ở nước ngoài.