nổi sự huyên náo, ồn ào của những con người xung quanh, ông lại
càng thể hiện sự trung trinh tha thiết đối với thơ ca, cùng với tiếng
nói “tịch liêu” của mình. Đương nhiên như vậy không phải ông hoàn
toàn thờ ơ với thế giới này, ngụ ý trong những tập thơ của ông lúc
nào cũng hiển hiện: bất kể thế nào cũng phải đứng ở tuyến đầu
của thời đại, dẫn dắt mọi người tiến lên và phát huy sức mạnh
khiến tất thảy mọi người phải sửng sốt. Thơ ông phơi bày một
hiện thực xã hội vô cùng tinh tế và sâu sắc, luôn trở thành tiêu
điểm khiến giới phê bình phải tranh luận, rồi dẫn mọi người đến
một tiếng nói chung, và cuối cùng trở thành một “nỗi tịch liêu”
chói lóa. Khi ông qua đời, người ta đã nói, thế gian này giờ chỉ toàn
những tạp âm tầm thường, và trong những ngày đó, người ta đã
không quản ngại xa xôi, mưa gió xếp hàng dài để đến truy điệu
ông. Mãi đến tận ngày hôm nay, tròn một năm sau ngày mất,
hằng ngày những áng thơ của ông vẫn được giới truyền thông trích
dẫn hàng chục lần, những lời bình và chú thích thơ ông cũng đã
được xuất bản thành hơn chục tập. Có người nói, sự “tịch liêu” của
ông còn lan tỏa mạnh mẽ hơn cả những âm thanh ồn ào náo nhiệt.
Tuy ông chỉ là một nhà thơ, nhưng sức ảnh hưởng của thơ ông để lại
vượt qua cả văn chương, truyền bá rộng rãi tới cả giới chính trị và
các đoàn thể xã hội, trong đó cả giới tôn giáo... Nhưng những lời tự
bạch được ghi chép một cách xác thực về tình yêu và sự việc giết
người trong cuốn hồi ký này phải làm sao đây?
“Sao thế, chú Kyu?” Đột nhiên Eun-kyo quay lại hỏi. Tôi bất
giác gấp mạnh cuốn hồi ký lại.
“Không... không có gì.” Tôi lắp bắp trả lời. Tôi cũng biết, nhà
thơ già Lee Joek-yo yêu cô thiếu nữ này. Khi ông ta còn sống, tôi
cũng đã biết, nhưng chuyện ông tự bạch mình đã giết người thì tôi
hoàn toàn sửng sốt.