Trung Quốc đã thiết kế lò phản ứng hạt nhân dân sự mới và có nhiều phát
minh năng lượng khác. Tạp chí Wired đã gán cho Trung Quốc danh hiệu
“Siêu cường sinh sản vô tính đầu tiên”. Các nhà khoa học Trung Quốc đã
phát triển nhiều giống cây trồng công nghệ sinh học, có những bước tiến
trong nghiên cứu tế bào gốc. Trung Quốc trở thành nước thứ ba đưa người ra
ngoài không gian khi nhà du hành vũ trụ Dương Lợi Vĩ đi vào quỹ đạo năm
2003. Chi phí nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc tăng nhanh (sử dụng
phương pháp so sánh sức mua, năm 2004 là 103 tỉ đô la, năm 1995 chỉ là
17,9 tỉ đô la) và đang gần đuổi kịp Nhật Bản (113 tỉ đô la năm 2004), nhưng
vẫn chưa bằng 1/3 của Hoa Kỳ. Trung Quốc nằm trong danh sách quốc gia
có nhiều đăng ký bảo hộ phát minh sáng chế nhất thế giới từ năm 2005,
nhưng con số 250 đơn đăng ký vẫn còn quá khiêm tốn so với 45 nghìn đơn
từ Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp nước ngoài trước đây chỉ xây dựng phòng thí
nghiệm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc khi chính phủ khẩn thiết yêu
cầu, coi như cái giá phải trả cho việc tiếp cận thị trường nội địa thì hiện nay
họ không cần ai phải hối thúc để khai thác năng lực công nghệ đang nở rộ
của quốc gia này. Mọi công ty truyền thông công nghệ cao quốc tế đều đã
xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc. Số lượng các trung tâm
nghiên cứu và phát triển có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã tăng từ
200 trung tâm bốn năm trước lên 750, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Các nhà đầu tư mạo hiểm phương Tây đang đầu tư vào những công ty khởi
nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học và viễn thông của Trung Quốc.
Sự chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ đã khôi phục vị thế cường quốc khu vực
và thế giới của Trung Quốc sau hơn một thế kỷ hèn yếu và tủi nhục. Khi
Trung Quốc giàu hơn, nước này cũng gia tăng sức mạnh quân sự. Và khi các
nhà máy của Trung Quốc chuyển đổi từ sản xuất đồ chơi và giày dép đòi hỏi
nhiều lao động sang máy tính và xe hơi đòi hỏi cao về công nghệ, Trung
Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu đề phòng, xem nhau như đối thủ. Nhưng hai nền
kinh tế cũng đang kết nối và phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Các mối quan hệ
kinh tế không đảm bảo các quốc gia không đánh nhau - thậm chí thương mại
còn làm nảy sinh nhiều bất đồng - mặc dù vậy các mối quan hệ này khiến
cho hai bên cố gắng giải quyết xung đột một cách hòa bình.