làm hại mình”, đấy là bài học mà các nhà lãnh đạo hôm nay đã học được từ
sự sụp đổ của nhà Thanh và chính quyền Trung Hoa Dân quốc. Một cuộc
khủng hoảng quốc tế có thể chuyển hóa thành thách thức nội địa. Chuyên
gia về Hoa Kỳ Vương Tập Tư đã đặt vấn đề thế này: “Các yếu tố trong quan
hệ Trung-Mỹ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh Trung Quốc chính là những
vấn đề có thể biến ‘khó khăn bên ngoài’ trở thành ‘khó khăn trong nước’.”
Làm thế nào để các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể giải quyết được tình
huống hóc búa này? Giang Trạch Dân đầu tiên đã cố chơi cờ nước đôi: vừa
cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, vừa đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc nhằm tăng
cường vị thế trong nước. Nhưng việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ vấp phải
khó khăn vì Quốc hội Hoa Kỳ luôn yêu cầu cải thiện tình hình nhân quyền,
một vấn đề mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ phải nhượng bộ nhất. Rồi các
sự kiện không thể lường trước khác như việc ném bom đại sứ quán Trung
Quốc ở Belgrade đã gây ra những phản ứng bất ổn trong nước. Các nhà lãnh
đạo Trung Quốc đã rút ra bài học xương máu là khi dư luận bùng phát, các
khủng hoảng quốc tế có thể biến thành khủng hoảng nghiêm trọng trong
nước.
Sau một cuộc tranh luận nội bộ căng thẳng, chính phủ Trung Quốc quyết
định từ nay trở đi, họ sẽ phải tiết chế lòng tự tôn để giữ quan hệ tốt với Hoa
Kỳ và giảm thiểu sự khác biệt trong nội bộ. Nỗ lực mạnh mẽ cải thiện khả
năng quản lý khủng hoảng và làm dịu bớt tư tưởng dân tộc chủ nghĩa nhằm
tách quan hệ Trung-Mỹ khỏi sức ép chính trị trong nước đã thành công. Về
hình thức, quan hệ Mỹ-Trung đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, dưới cái
vẻ bề ngoài đó, dư luận Trung Quốc cùng với giới quân sự vẫn tiếp tục nghi
ngờ động cơ của Hoa Kỳ, và khoảng cách giữa ý kiến của những người dân
theo chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại thực dụng vẫn tiếp tục tồn
tại.