Hàn Mạc Tử lạc vào thế giới của cái kì dị và lạ thường, thế giới của âm
thanh và ánh sáng lạ. Thế giới ấy có cấu trúc riêng, ý nghĩa riêng, quy luật
vận động riêng. Chẳng phải vô cớ Hàn Mạc Tử luôn chú ý tới nắng. Nắng
trong thơ thi sĩ họ Hàn trở thành tín hiệu báo mùa:
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan
(Mùa xuân chín)
Nắng ửng có vẻ riêng trong cái nhìn xuân tình của tác giả. Nắng ửng
không chỉ báo hiệu “bóng xuân sang” mà còn đánh dấu khoảnh khắc: mùa
xuân bắt đầu chín. Nắng ửng gắn liền với tâm trạng rạo rực xôn xao ở hồn
người. Bài thơ Mùa xuân chín đọng lại cái nắng hắt ra từ cõi nhớ. Nắng
trong hoài niệm, thứ nắng hoài vọng chín theo sự chín của mùa xuân, tình
xuân. Nắng chín dĩ nhiên đẹp, nhưng phảng phất buồn. Đẹp bởi cảnh xuân,
tình xuân nồng nàn. Buồn bởi “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Trong tác
phẩm Ngủ với trăng, nhân vật trữ tình “khao khát trăng gió” và “đi bắt nắng
ngừng, nắng reo, nắng cháy”. Nắng chang chang đốt lòng người thực ra là
hình ảnh phái sinh của kiểu nắng cháy. Nhưng nếu nắng chang chang loang
ra dọc bờ sông trắng, thì nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy ở đây lại xuất
hiện trong một không gian khá đặc biệt: “trên sóng cành, sóng áo cô gì má
đỏ hây hây”. Ngừng, reo, cháy ứng với ba cung bậc tình cảm khác nhau của
con người: lặng im, xao xuyến và cuồng si. Ba trạng thái tình cảm ấy đồng
nhất với ba cảm xúc sáng tạo. Hóa ra, nắng biểu hiện thi hứng, thi cảm của
nhà thơ.
Nắng trong thơ Hàn Mạc Tử có “tuổi” và có tình. Người ta thường nói:
trăng sáng, sao sáng, còn Hàn Mạc Tử lại cảm thấy nắng sao. Nắng reo đã
lạ, nắng sao, nắng trong đêm thì lại càng kỳ. Có lẽ thứ nắng ấy chỉ xuất hiện
trong thế giới thi ca của Hàn Mạc Tử với một tâm thế trữ tình đặc biệt
“buồn trong mộng” (Buồn ở đây). Nắng trong thơ Hàn thường phảng phất
duyên tình: “nắng vàng con mắt thấy duyên đâu”. Nắng gắn với duyên
phận, nỗi niềm cô đơn: “không duyên hồ dễ mong theo nắng” (Duyên kỳ
ngộ). Nắng, thứ ánh sáng đặc biệt trong thơ Hàn, biến ảo theo cường độ nỗi
đau, nỗi nhớ. Biên độ nắng không có giới hạn, rộng mở theo không gian xa
cách, theo “thế giới ảo huyền”. Nắng ửng làm “khói mơ tan”, nắng dọi làm