liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mạc Tử thơ có
một quan hệ phi thường. Thơ chẳng những ca tụng thượng đế mà cũng để
nối người ta với thượng đế, để ban ơn phước cho cả thiên hạ. Cho nên mỗi
lần thi sĩ há miệng - sao lại há miệng? - cho thơ trào ra, là chín tầng mây
náo động, muôn vì tinh tú xôn xao. Người ta sẽ thấy:
Đường thơ bay sáng láng như sao sa
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.
Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì
giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa.
Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với
thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ
huy hoàng trang trọng, lung linh, huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu
thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng.
Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử.
Với Hàn Mạc Tử, Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh
mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalie.
Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật giáo, chắc
những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ chi với di thảo của thi
nhân.
Huống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở
xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng
chỉ những tình cảm có thể diễn là thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm
tận đáy hồn đoàn thể.
Thượng Thanh Khí - Một vài bài đặc sắc ghi lại những cảnh đã thấy
trong chiêm bao, ở đâu giữa các vì tinh tú trên kia. Đại khái không khác
cảnh Xuân như ý mấy, chỉ thiếu tính cách tôn giáo, huyền bí nhưng không
thiêng liêng.
Cẩm Châu Duyên - Một hai năm trước khi mất, sự tình cờ đưa đến trong
đời Hàn Mạc Tử hình ảnh một giai nhân có cái tên khả ái: nàng Thương
Thương. Nàng Thương Thương có lẽ chỉ yêu thơ Hàn Mạc Tử và Hàn Mạc
Tử hình như cũng không biết gì hơn hai chữ Thương Thương. Nhưng như