Gọi tên Người
Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau:
“Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 Octobre 1940). Thêm một ngày
đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu”
Báo Người Mới: số 4 (16.11.1940) kết thúc tin buồn “Hàn Mạc Tử đã
qua đời” bằng một lời tương tự: “Chúng ta đã mất một người”.
Đơn giản mà thấm thía. Một ý nghĩa nảy từ hai cuộc đời, hai sự nghiệp.
Tưởng chừng “cách nhau ngàn vạn dặm” mà lại gặp nhau trong chí hướng.
Trong thân phận hẩm hiu nhưng nhà thơ đã phát huy mọi khả năng tâm não.
“Đã sống mãnh liệt và đầy đủ... Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng
lệ, bằng hồn... Đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu”.
Mối thần giao giữa Phan Bội Châu và Hàn Mạc Tử
Trong cùng số báo Tin Tức nói trên lại có bài Trút linh hồn của Hàn Mạc
Tử với câu thơ còn ngân dài, ngân dài mãi “như hình nhớ thương”:
Ta còn trìu mến biết bao người...
Và trong Tin Tức trước đó một kỳ (27.10.1940), Phan Sào Nam đã cảm
tạ không kém thiết tha những người điếu sống cụ:
Những ước anh em đầy bốn biển
Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian.
Trùng hợp trước hơi thở cuối cùng. Như đã trùng hợp ở bước đầu trên
“Mộng Du thi xã”. Trong thần giao cách cảm. Tờ Phụ nữ tân văn (số 97,
ngày 28.8.1931, tr.15) không ngờ đã xe mối duyên văn nghệ cho một nhà
chí sĩ với một nhà thi sĩ. Bài “Phan Bội Châu tiên sanh mở hàng dạy thi” in
ở trang trước, kèm bài thơ mẫu mượn hình ảnh chùa Phật để nói lên niềm
non nước:
Ba chén xong rồi ai ấy bạn
Một pho kinh Phật một cây đèn.
thì ở ngay trang sau đã có bài Chùa hoang của P.T (Quy Nhơn) tức
Phong Trần (Hàn Mạc Tử sau này) vọng lại: