cuối cùng đầy uất nghẹn: “Xê ơi, bà đã già trước tuổi vì đời của bà đã chịu
mấy lần tang tóc, đã rơi không biết bao nhiêu là nước mắt” (chồng bà là ông
Nguyễn Văn Toán chết, con trai cả là Nguyễn Bá Nhân chết rồi đến con trai
yêu là Nguyễn Trọng Trí chết). Tôi xin ghi bốn câu thơ của Nguyễn Bính ở
đây để mô tả người mẹ già của Trí khi ấy:
Người mẹ già kia tuổi đã nhiều
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu
Mà nay lại khóc thêm lần nữa
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều.
Giờ đây, ôn lại ngày mẹ và chị Lễ thăm mộ Trí làm tôi chợt nhớ đến câu
thơ Hàn Mạc Tử:
Một mai kia ở bên khe nước ngọt
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.
Tôi đã chứng kiến có một mẹ tiên và một chị tiên đến khóc nức nở bên
mộ Trí chứ tôi có thấy một nàng tiên nào tới nhỏ một giọt lệ (chỉ một giọt
thôi) trên mộ Trí từ ngày Trí chết và chôn ở đây. Thế mới rõ tình nào hơn
tình mẫu tử vì ở trên trần gian này ít có người mẹ nào lại không thương con
mình. Nhà đại thi văn hào Mác-xim Goóc-ki đã có thơ như sau:
Thế gian đẹp nhất vầng hồng
Mẹ hiền sinh những anh hùng, thi nhân.
Sau khi Trí chết, theo di ngôn tôi ra Quy Nhơn gửi thư báo tin cho Trần
Thanh Mại Trésor Huế, Quách Tấn Résident Nha Trang cùng gởi tập thơ
Trí tặng tôi (thơ CẦU NGUYỆN) cho dượng rể tôi là nhà văn Bùi Tuân.
Một ngày cuối hạ 1941, Bùi Tuân đã vào thăm tôi và mộ Trí. Đứng trước
mộ Trí, Bùi Tuân nói: “Sống là một cuộc du hành và chết là trở về quê thật.
Tôi đi viếng mộ Trí rồi một ngày kia tôi cũng sẽ chết”.
Và cũng vào một ngày cuối hè năm 1941, tôi đang ở nhà riêng thì có
người xuống gọi bảo tôi lên hướng dẫn cho thân nhân anh Trí ra thăm mộ.
Tôi vội vã lên nhà dòng gặp một đôi thanh niên nam nữ rồi hướng dẫn họ đi
ra nghĩa trang. Có điều tôi lấy làm lạ là người thanh niên thì im lặng cúi đầu