***
Sinh thời ngắn ngủi, và yêu đương thật sự cũng không bao nhiêu, nhưng
cuộc đời tình ái của Hàn Mạc Tử đã gây ra dư luận và tranh luận. Điều này
tự nó “cũng vui thôi”, nhưng mãi lo lập thuyết hay giả thuyết về tiểu tiết đời
tư, ít người bình luận đến sự nghiệp văn học của Hàn Mạc Tử, chính ra phải
là đề tài thiết yếu.
Bài này cũng không thoát khỏi vòng lẩn quẩn kia, nhưng mục tiêu là cố
tình minh định đôi sự tồn nghi, để độc giả an tâm đi vào tìm hiểu sự nghiệp
văn học của Hàn, mà không cần thắc mắc về tiểu truyện và huyền thoại.
***
Bài thơ được phổ biến nhất của Hàn Mạc Tử là Đây thôn Vỹ Giạ, đã tạo
nên nhiều giai thoại nhất. Bài thơ được sáng tác cuối năm 1939, lúc tác giả
ở Quy Nhơn, bệnh đã trầm trọng, nhận được một tấm bưu ảnh phong cảnh
Huế của cô Hoàng Thị Kim Cúc, từ Huế, gửi lời thăm chúc sức khỏe; Hàn
trả lời, cảm ơn bằng bài thơ này dưới tên Ở đây thôn Vỹ Giạ, ngày nay còn
bút tích.
Hoàn cảnh và thời điểm sáng tác đã nhiều người biết qua nhiều tư liệu,
như của Quách Tấn, viết từ 1959, đăng trên báo Lành Mạnh, Huế, từ ấy, in
lại trên báo Văn
và nhiều nơi khác. Thế mà Chế Lan Viên, cuối 1986
trong bài tựa tuyển tập Bài thơ thôn Vỹ, in 1987, tại Huế đặt nó vào tập san
Nắng Xuân (Quy Nhơn) 1937, khiến nhiều người nhầm theo, kể cả danh gia
Hà Minh Đức
đã bình giảng cho học sinh, sinh viên, hay các vị Mã
Giang Lân, Vũ Quần Phương, v.v...
Tập Nắng Xuân, sách chơi Xuân Đinh Sửu, 1937, là tập san, đứng tên
chủ biên Nguyễn Trọng Trí, 32 trang, có 2 bài thơ ký Hàn Mặc Tử, là Mùa
xuân chín, tr.4 và Thi sĩ chàm, tr.14, đề tặng Chế Bồng Hoan là... Chế Lan
Viên!
Chuyện tình thôn Vỹ, tóm tắt như sau: Năm 1932 Hàn Mạc Tử 20 tuổi,
vào làm sở Đạc điền, Quy Nhơn, đơn phương yêu thầm một thiếu nữ tên
Hoàng Thị Kim Cúc, gọi tắt là Hoàng Cúc, thuộc gia đình gia thế ở cùng
đường Khải Định. Yêu mơ mộng vậy thôi, chỉ có bày to cùng một bạn thơ