Song dư luận bao giờ cũng rất kỳ, đã chú ý đến người và đến thơ, thì dư
luận gần như trộn lẫn người với thơ làm một. Cho nên nói một cách công
bình, thì gần đây “người” của Hàn Mặc Tử đã làm quảng cáo cho thơ của
Hàn Mặc Tử rất nhiều. Đến nỗi về ông, người ta đã viết một giọng say sưa,
ông là một thi sĩ mà trên thế giới không một thi sĩ nào sánh kịp” (sđd,
tr.706).
“Người ta”, trong câu cuối, ám chỉ Trần Thanh Mại, tác giả cuốn Hàn
Mạc Tử mà chúng tôi, trong bài này đã nhiều lần tham chiếu.
Nhận định của Vũ Ngọc Phan, từ thời điểm 1942 cho đến nay - tròn 70
năm - đã “cổ lai hy”, nhưng vẫn chưa chịu già: cho đến nay “người ta” vẫn
tiếp tục nói nhiều, viết nhiều “...trộn lẫn người với thơ làm một... Người đã
làm quảng cáo cho thơ...”. Không những nói hay viết, người ta còn dựng
kịch, làm tuồng, phim ảnh, ca hát. Mộ phần nhà thơ trở thành nơi du lịch,
thương mại náo nhiệt, hấp dẫn bằng giai thoại ly kỳ.
Nhưng có một việc tối thiểu, là tìm lại tập thơ Gái Quê, bản gốc, tác
phẩm duy nhất được in ấn, xuất bản năm 1936, sinh thời tác giả, thì không
ai làm. Bắt đầu từ gia đình, đến thân bằng quyến thuộc trong làng văn
chương hay giới sưu tập, có người có địa vị trọng vọng. Gì đến nỗi không
tìm ra được một ấn phẩm đã xuất bản chưa lâu?
Chúng tôi ở ngoài nước, cũng vì tò mò thôi, tìm thử, cũng không công
khó gì lắm, thì có được bản Gái Quê in 1936; tuy chỉ là bản đánh máy,
nhưng sau khi đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu thì thấy chính xác, đầy đủ
hơn những bản hiện lưu hành in theo bản chép tay của Chế Lan Viên từ
1987.
Niềm vui, có thể nói là cơ duyên, là tìm ra được tác phẩm nguyên gốc
đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Do đó, nhân tiện,
chúng tôi rà soát lại những tư liệu về nhà thơ, rải rác từ 70 năm nay. Nhận
thấy lắm điều bất nhất, chúng tôi so sánh và tìm căn cứ hợp lý nhất đề xuất
trong bài này.
Phần nào chúng tôi cũng có học tập biên khảo của giáo sư, nhà văn Pháp
Etiemble khi ông bỏ ra non một đời người để nghiên cứu “Huyền thoại