- Ôi! Trung úy ngạc nhiên nhìn Pivôvarôp, trong cái nhìn ấy, thậm chí
có pha chút kính trọng. - Cậu đọc bao giờ mà nhiều thế?
- Hồi lớp sáu tôi ốm mất nửa năm, không đi học được. Thế là tôi đọc,
đọc tất cả những gì tìm được ở thư viện. Các bạn mượn ở thư viện cho tôi.
Đúng, có lẽ ốm thế mà lại tốt đấy, ốm nửa năm đọc hết cả sách thư viện.
Lúc còn bé, Ivanôpxki mong được ốm bao nhiêu, nhưng chẳng bao giờ ốm
lâu được quá ba ngày! Sức khỏe của anh rất tốt, anh đọc không nhiều, mặc
dầu lúc nào anh cũng xúc động trước những cuốn sách hay. Còn những
truyện hay của Gaiđa thì anh chưa tìm được để đọc. Lúc bé thì như thế. Sau
này lớn lên, anh phải đọc những thứ sách khác.
Xung quanh và ở đằng xa kia vẫn im lặng như trước. Lúc này,
Ivanôpxki trượt không hăng hái như hôm qua nữa. Sức nặng toàn thân dồn
lên đôi chân, mỗi bước trượt làm vết thương đau nhói. Đau tưởng không thể
nào chịu được. Để quên đi, Ivanôpxki cố gắng nghĩ đến những công việc
khác. Trước hết, anh nghĩ đến các chiến sĩ của anh đang trên đường về dưới
sự chỉ huy của chuẩn úy Điubin. Có lẽ họ đi dọc theo dòng sông và men
theo bãi bồi. Nếu đường trượt không bị tuyết phủ làm mất vết thì họ sẽ định
ngay được hướng đi. Tuy vậy, nếu bị tuyết phủ kín thì chắc chắn Điubin
cũng vẫn nhớ đường, trường hợp này, Điubin sẽ nhờ đến bản đồ. Trong
chiến tranh bản đồ là vật rất quý của người chỉ huy, tiếc rằng không phải
bao giờ cũng có đủ bản đồ cho họ. Ivanôpxki cũng luôn nghĩ đến
Khakimôp. Anh tự hỏi: Khakimôp thế nào? Tất nhiên Khakimôp rất đau,
cái đau triền miên không sao dứt được. Nhất là lúc vượt qua vùng giáp
ranh, Khakimôp không ngồi lên được và cũng chẳng làm thế nào để chiếc
cáng đi nhanh hơn, mọi người phải bò, phải trườn. Dù thế nào thì họ cũng
đang trở về. Chắc rằng Điubin biêt cách chỉ huy họ. Điubin sẽ giải thích cho
tham mưu trưởng về thất bại của họ, sẽ biện hộ cho cả nhóm và cho cả đồng
chí chỉ huy của mình. Ai có thể nghĩ được rằng, sau mười ngày tất cả đều
đã thay đổi và bọn Đức đã chuyển căn cứ đi nơi khác. Trong thâm tâm,