- Bây giờ thì không có gì gọi là nực cười, Trung úy thở dài.
- Mẹ còn quý hơn vàng. Mẹ tôi chỉ có mình tôi và tôi cũng chỉ có mình
mẹ tôi thôi. Ở đấy, hai mẹ con tôi không còn ai thân thuộc nữa. Mẹ tôi từ
Lêningrat tới. Trước cách mạng bà sống ở Pêtécbua. Bà kể cho tôi nghe bao
nhiêu là chuyện về thành phố kỳ diệu ấy!... Còn tôi thì chưa đến đấy lần
nào. Mấy lần đã chuẩn bị xong xuôi để đi nhưng rồi lại thôi. Bây giờ thì
đành phải chờ sau chiến tranh vậy thôi.
- Sau chiến tranh, tất nhiên rồi.
- Tôi ấy à? Anh biết đấy, chắc không bao giờ. Tôi cũng chẳng mong
nữa, vì chắc gì đã sống, nhưng biết làm sao! Chỉ thương cho mẹ!
Thương cho mẹ! Ivanôpxki im lặng đồng ý, nhưng có lẽ cũng phải
thương cho bố nữa chứ. Thậm chí, ông bố ấy có đến nỗi như bố anh - người
cựu chiến binh Ivanôpxki - thì cũng cứ phải thương. Bố anh - một người
không lấy gì làm hiền lành và thông minh cho lắm, một người thích bắt
chuyện với những người nông dân khi chè chén trong ngày lễ, đôi khi cũng
cảm thấy bất hạnh không thành đạt trong cuộc đời. Quả thật, mọi người đều
có vợ, những người vợ lo liệu việc ăn uống, cuộc sống hàng ngày trong gia
đình. Việc lo liệu có thể ở mức độ khác nhau, nhưng rất thủy chung với
chồng mình. Còn bố con anh - nhiều lần Ivanôpxki nhớ lại - bao giờ cũng
sống trong gian buồng nhỏ ở góc khu nhà riêng, bữa ăn thường chỉ có một
miếng mỡ lợn, một bát canh bắp cải, hai bố con hai chiếc thìa nhôm.
Ivanôpxki ít khi nhố đến mẹ mình và hầu như chưa khi nào hỏi bố về mẹ.
Cậu bé biết: hễ nói chuyện về mẹ thì bao giờ bố cậu cũng không cầm được
nước mắt. Hình ảnh của mẹ gắn liền với bi kịch gia đình. Bố và cậu cũng
không sao biết được mẹ cậu vẫn còn sống hay là đã chết. Vả lại, sau đó, cậu
được nhiều người cho biết: chính bố cậu cũng không biết gì hơn cậu về mẹ
cậu.