phải nhớ làm lòng - Nhưng một ngàn cây gió có trầm hương mới có được
một cây có kỳ nam. Chất ấy trong người cháu quý như kỳ nam. Khi ấy, như
xuất vía, như hôn mê, cháu phải kịp thời nghiến chặt hai hàm răng để giữ
sự quân bình và thái hoà. Như thế là cháu đã tham dự vào vòng sinh hoá
của trời đất!” Nhớ đến ông nội, một biểu trưng của tính bảo lưu truyền
thống, Thiêm lại nhớ đến người cha tài hoa, bạc mệnh, canh cánh một món
nợ, một nỗi buồn. Anh nhớ đến tuổi thanh niên, đoạn sầu thương, khúc
hùng tráng, những nỗi nhọc nhằn, những niềm vui sướng, cơn đam mê tử vì
đạo, trạng thái uất nghẹn khi kề cạnh cái chết. Sự bạo ngược, điều vô lý.
Nhớ đến mười lăm năm tu thân lập nghiệp trên bản Mèo La Pan Tẩn, nơi
có cái bãi đá cao lưng chừng trời, như nhớ tới một chu kỳ sống khác, đối
lập với những ngày đang sống đây. Chẳng lẽ đời sống đang vào hồi cực kỳ
buồn tẻ này hoá ra lại là hệ quả của một chuỗi ngày sống oai hùng trong
đơn lẻ? Sao lại có thể như thế được? Sao lại có thể đang từ một kẻ dẫn
đường, một kẻ sống một ngày là toả sáng một ngày lại biến thành một gã
đàn ông đánh trống trường. Trống báo giờ. Trống tập họp. Trống vào tiết
học. Trống ra chơi. Trống tan học. Ngày hai buổi đến trường chỉ với thao
tác vung dùi gõ vào mặt da trống theo một tiết tấu đã ước định. Toàn bộ sự
nghiệp chỉ còn là vậy ư, lẽ nào?
Nhưng bây giờ thì Thiêm đang được chia sẻ. Thiêm hiểu và lặp đi lặp
lại trong Thiêm giữa những ngày nhàm chán này chính là bóng hình một
phụ nữ gần cận, luôn tươi mới và ngày càng trở nên vô giá với anh. Người
phụ nữ ấy đã trở thành nguồn sống của đời anh, với anh vừa ngời ngời một
thực thể cao quý, vừa như một ảo hình ảo thể, sống động như trong giấc mơ
ái tình vừa rồi của anh. Người ấy đã là một phần quan trọng nhất trong đời
sống tinh thần của anh.