Thiêm gật đầu:
- Trí nhớ hố pẩu còn tươi tốt lắm!
Hố pẩu tiếp:
- Tôi nhớ, tôi vừa nắm tay thầy, vân vi: “Thầy ơi, quê em xa xôi, tận
đỉnh núi cao, đất lạnh, lúa chỉ trồng một vụ, dân còn đang dị mọ, chỉ ăn ngô
cứng, sèo đắng, khổ lắm!” thầy đã ngắt lời: “Cụ đừng xưng em với người
đáng tuổi con cụ.” Tôi đưa tay chùi mép, vừa sướng vừa thẹn, tiếp: “Người
Mèo tôi bị thua các bộ tộc khác, bỏ miền quê tổ xuống đây, tìm được thẻo
đất sinh được hạt bắp to khó như tìm chim hoạ mi trắng, cực chẳng đã,
đành lên núi ở. Đất ở đây tiếng thế một nắm như một lạng mỡ. Ngặt cái
không phải năm nào cũng hoa đăng hoà cốc. Trời già lắm khi độc địa, vin
cớ này kia, có lúc bất ngờ sai binh cua tướng ốc ném đá xuống rầm rầm, tan
tành hết cả lúa ngô, nhà cửa. Nhưng, thầy đừng lo đừng buồn. Dân tôi
ngợm dại lắm, được rước thầy về làm dở sấu, là thoả lòng lắm rồi.” Nghe
tôi nói đến đấy, thầy liền lắc tay tôi, hỏi giật: “Dở sấu nghĩa là thế nào?”
Tôi đáp, tiếng Mèo dở sấu có nghĩa là ông tiên, ông thánh. Tức thì thầy rẫy
nẩy người lên, kêu to: không phải, không phải thế đâu, tôi không là dở sấu,
tôi là giáo viên thôi!
- Đúng là thế đấy!
- Tôi nhớ, thầy hai mươi tuổi, vóc cao như thằng Tếnh con trai tôi,
nhưng đẹp đẽ, cao ráo, mắt sáng trưng, môi hồng tươi, mặt đầy như mâm
bạc, cử chỉ ôn nhu, đúng con nhà gia giáo.
Thiêm lắc lắc đầu, mặt thẹn ưng ửng đỏ.
Trí nhớ của hố pẩu như mắt lưới giữ cá. Thiêm cũng vậy. Còn nhớ cả.
Nhớ hết. Nhớ ông nội đi bộ mười bẩy cây số từ làng ra ga tầu hoả đưa tiễn.
Ông nội vỗ vai cháu: “Đi, cháu Thiêm! Xưa rày mãnh sư, đại bàng chỉ một
mình một bóng!” Thầy chủ nhiệm vốn người uỷ mị, thương học trò giỏi
phải đi lập nghiệp nơi xa, ghi trong sổ lưu niệm những dòng rưng rưng:
“Tuổi trẻ gặp sự thất vọng đầu tiên không phải là điều xấu đâu. Quan trọng
hơn với con người là sự chối bỏ hư không. Em đi, phá vỡ thế vây hãm nhé.