Chương 19
Ông nội Thiêm đi giờ hợi, ngày thìn, nhẹ nhàng như khói một nén
hương bay. Kỳ lạ, đó cũng là thời khắc Thiêm bị bọn đâm thuê chém mướn
giở trò bạo lực man rợ, tạt a xít vào mặt anh mưu đồ làm nhục anh và hạ sát
anh. Đó là cả một câu chuyện, một cuốn tiểu thuyết ba trăm trang in dài
không kém những gì đã được viết ở La Pan Tẩn thời Thiêm dạy học. Mà
bây giờ chưa phải là lúc kể. Nên chỉ có thể tóm tắt như sau. Năm sáu lăm,
sau khi xẩy ra vụ phản loạn ở La Pan Tẩn, Thiêm bị quy tội nặng nề, phải
chuyển về huyện, về Ty giáo dục, rồi sau đó may mắn được chuyển về Hà
Nội, giữ chân thủ trống ở một trường trung học. Đó là những ngày buồn.
Tuy nhiên, tuân theo nguyên tắc xử lý: nếu người hại thì vượt qua nó mà đi
lên, Thiêm biến tình trạng thụ động thành một thời cơ nấu nung để biến
đổi. Đèn sách vốn là nghiệp dĩ, ý chí lại có thêm nỗi hận gia thêm vào nên
chẳng bao lâu anh đã học hết hai chương trình văn, toán bậc đại học. Học
để thành người rồi đi dạy người khác để giúp họ thành người, đó là hướng
đi đã định. Nên dẫu bị tư tưởng chính thống hắt hủi, dè bỉu không được dạy
ở trường quốc lập, Thiêm vẫn là ông giáo nổi tiếng tài giỏi ở các trường
dân lập và tư gia.
Thiêm đã dạy riêng cho một gia đình cán bộ cao cấp. Gia đình này có
một đứa con trai nhỏ vừa tối dạ vừa hỗn hào, xấc xược. Đến mức nhìn nó,
Thiêm không thể tưởng tượng được, nó là con một thiếu phụ xinh đẹp,
thông minh tên là An, người có cặp mắt thấp thoáng sắc xanh da trời, tình
cờ như là hiện thân của Seo Mùa, người vẫn hiện lên trong giấc mơ ái tình
của anh. Quá trình dạy dỗ thằng con bất trị hoá ra lại là quá trình gieo mầm,
nẩy nở cuộc tình của đôi trai tài gái sắc này. Họ đã yêu nhau mặn nồng, đã
nguyện ước, đã hẹn hò sống chung. Trớ trêu, phu quân của người phụ nữ
Thiêm yêu quý lại chính là Quốc Thanh. Quốc Thanh, xuất thân vô sản lưu
manh, không nghề nghiệp, hạt sạn, cặn bã của cuộc sống, một bản năng thô