lốc chóng mặt của các giả thuyết, nó là cuộc giành giật giữa cái đã lỗi thời
và cái tuyệt đối chưa đạt tới. Nó chính là một câu chuyện tình yêu biến thể.
Một câu chuyện tình yêu mang hình thái cổ điển, một bên là anh, kẻ gần
gụi với lẽ tự nhiên. Còn ở phía kia, là một mãnh lực khác. Trên đấu trường,
mọi người đều được quyền bình đẳng. Ông Quốc Thanh có quyền tự vệ và
bảo vệ đến cùng tín điều của ông. Sai lầm là bình thường. Chỉ có điều là
chớ có giở trò quyền lực bạo tàn và thói trả thù tiền sử. Lịch sử sẽ nhìn
nhận lại tất cả.
Đêm hôm sau Thiêm mê gặp Thúy. Thúy mặc váy áo phụ nữ Mèo
xanh. Thiêm ngờ ngợ hỏi: “Thúy hay Seo Mùa đó?” Thúy đáp: “Thì cũng
vậy. Sống chết với iem từ lâu cũng thế. Thằng dã nhân ấy làm iem có thai
rồi bỏ rơi iem. Iem phải lấy ông Múi thầy cúng người Mán ở xã bên cạnh.
Ông này 70 tuổi, cũng vũ phu như thằng Tếnh, lấy em được nửa năm thì bị
hổ vồ.” Nói rồi, sụp lạy Thiêm, xin Thiêm tha tội. Thiêm hỏi. Thúy mếu
máo: “Nghe Quốc Thanh và Trần Đổng dỗ ngon dỗ ngọt và doạ dẫm, iem
đã ký đơn tố cáo anh kích động dân La Pan Tẩn chống lại các chủ trương,
chính sách, đầu hàng bọn gây bạo loạn và mưu giết Quốc Thanh. Em nhắm
mắt ca ngợi Quốc Thanh dũng cảm kiên cường trong vòng vây của bọn
phiến loạn, lập công đầu trong vụ đánh tan bọn biệt kích, kỳ thực nó là
thằng hèn mạt, co cẳng chạy dài và rắp tâm giết anh. Thúy khóc nấc từng
hồi: Iem đáng tội chết. Nhưng iem phản anh chỉ vì iem yêu anh quá! Giá
như hồi ấy chúng mình thành vợ thành chồng thì iem cũng không bơ vơ mà
anh cũng không khổ sở như bây giờ. Nhưng anh ơi, như em đã có lần nói
rồi đấy, người ta chẳng bao giờ yêu cái người đã quá yêu họ, có phải thế
không anh?” Thiêm ngẩn người rồi ứa nước mắt. Tội nghiệp Thúy. Thúy
lấp lánh những tài năng kinh dị. Giờ Thúy đã về xuôi, làm nghề cô đồng
chuyên bói hậu vận cho mọi người, là tác giả của cái mệnh đề đáng là danh
ngôn kia! Nhưng danh ngôn này không ứng với trường hợp của Thiêm.
Ngày tam nhật, Thiêm mơ gặp ông. Thiêm khóc trong mơ. Trần thế
bách niên khai nhãn mộng. Vừa mới hôm nào ông đào đá, đuổi hổ, dựng
nhà, làm vườn, sáng tác thơ, dạy bảo con cháu… nay ông đã hoá người