Thoát ra khỏi cái vành xe thô tháp, những tiếng vang đơn lẻ đã trở
thành một chuỗi âm thanh trầm hùng nối nhau, gối lên nhau, gọi nhau, tan
biến vào nhau, tạo thành một hiệu lệnh hùng dũng, nhưng ngân nga một âm
hưởng giao tình thân mật. Có cảm giác chính là cái vành xe do cảm kích và
cuộc hoá thân, qua tay Thiêm mở lối, đã vận động toàn bộ nội lực ẩn tàng
để bộc lộ mình.
Kềnh! Kềnh! Kềnh!
Xưa rày đất này chỉ biết đến tiếng mõ tre, mõ gỗ, tiếng trống da. Xưa
rày chưa tiếng gọi đàn nào rền rã, xốc xáo gan ruột dến thế. Âm thanh này
chứa trong nó một năng lượng chưa ai biết tới. Nó âm âm trong mỗi căn
nhà. Nó truyền lan theo từng triền núi, nó thanh thoát, nó trĩu nặng. Nó
vang vổng lên tận trần mây, nhập vào với gió trời, bay lượn trên cao xanh.
Nó in hình vào tâm tưởng con người.
Kềnh! Kềnh! Kềnh!
Hai thôn lớn bốn xóm nhỏ, từ ông già đến trẻ sơ sinh, chẳng nơi nào,
không một ai không nghe thấy tiếng kẻng Thiêm khua với cảm hứng chứa
chan buổi sáng đó. Thiêm bỗng cảm thấy chính anh như vừa được ban phép
lạ.
Hố pẩu sờ sẫm cái vành xe còn đang rung ngân, mắt rơm rớm, giọng
nhừa nhựa:
- Thầy Thiêm à, âm tuy biểu hiện ra bên ngoài mà phát tự bên trong.
Lòng người có cảm xúc mới phát ra âm được. Đàn môi, khèn bè, sáo
ngang, tiêu dọc, trống kèn là âm nhạc. Cái kẻng trong tay thầy Thiêm cũng
là âm nhạc. Âm nhạc của thầy không giả dối, nó có lòng nhân, nó hàm
dưỡng tính tình. Âm nhạc của thầy là giao cảm, giao tình.
Rồi âu yếm nhìn Thiêm, chia sẻ nỗi xót thương và cảm phục trước
hành vi cao cả đem sức thồ được chiếc kẻng về của anh, hố pẩu cười méo
xệch miệng, tiếp:
- Thời nay thịnh trị rồi. Thời thịnh trị, vua là dìu, dân là chiêng trống.
Thời thịnh trị, công việc là xe, khéo léo là lực đẩy. Thầy Thiêm là cái sức