ngán. Đối địch thì dịch lại đây. Thưa rằng là chính Kác Mác vĩ đại đã dậy:
Các cuộc cách mạng phải luôn luôn tự phê phán, phải tạm dừng bước tiến
của mình, quay lui trở lại để làm lại từ đầu những việc hầu như đã được
làm xong rồi, chế diễu thậm tệ những ý đồ cách mạng ban đầu… cho đến
khi chính ngay hoàn cảnh cũng thét lên: Hoa hồng rồi đây, đây là chỗ nhẩy
múa!
Thiêm reo lớn:
- Hoa hồng rồi đây, đây là chỗ nhảy múa!
Ông thợ cả gật đầu:
- Chính thế! Kác Mác đã viết như thế trong “Ngày 18 tháng Sương Mù
của Louis Bonapác.” Nhưng than ôi, nhân bất học bất tri lý, nói gì đến cái
lý cao siêu của thầy Kác Mác. Thế là đành phải mắc tội tầy đình. Kẻ cầm
quyền ra oai sấm sét, tri thức có sức đâu chống nổi! Thế là không chu di
tam tộc cũng vong gia thất thổ, chịu phần thua thiệt.
- Chà!
- Giờ đã được minh oan. Thời thế xoay vần, lũ sâu mọt đã lần lượt vào
nhà đá. Đã tính trở về nghề thầy, nhưng lại ngại, rằng đã thành nho hủ, tụt
hậu so với thiên hạ rồi.
Thiêm lắc đầu:
- Sao lại nho hủ! Nghề càng lâu, càng trải đời thì càng tinh xảo chứ.
Tôi nhớ, hồi tôi còn nhỏ, ông nội tôi kể chuyện Bao Dinh mổ trâu.
- Chuyện thế nào? Thầy Thiêm kể lại cho chúng tôi giải lao ít phút
nghe với.
Hai người thợ trẻ xong việc dựng cây gỗ quay lại phiến đá ngồi xuống
cạnh Thiêm, háo hức, gần như đồng thanh. Thiêm nói:
- Bao Dinh làm nghề mổ trâu. Ông nói: ban đầu, lúc mổ trâu, không
con nào không phải là trâu. Sau ba năm hành nghề, ông lại nói: chưa thấy
con nào là trâu toàn vẹn cả.
- Nghĩa là làm sao?