- La Pan Tẩn là xã thuần người Mèo xanh ở hạ huyện Xin Ma Chải.
- Mèo xanh là Mèo gì?
- Là một trong sáu ngành Mèo. So với các ngành Mèo khác, trang
phục có khác tí chút. Chẳng hạn, váy phụ nữ Mèo xanh, nhiều màu xanh
lam hơn các ngành khác.
Ông phái viên gật đầu, khậc một tiếng cười khoái trá:
- Như váy cái cô gì xinh xinh vừa nãy kéo trâu qua đây chứ gì!
- Tiếng Mèo xanh thanh, nhẹ hơn các ngành khác. Ví dụ, các ngành
khác nói nả, nghĩa là mẹ, người Mèo xanh nói là nỉa.
Rút bút máy, mở sổ, ông Quốc Thanh nhằn nhằn môi, huẩy đầu:
- Thôi cho qua phần đó đi.
- Xã có 250 hộ, bốn xóm nhỏ, hai thôn lớn. 1.560 khẩu. 220 lao động
chính. Lúa ruộng có 15 héc ta ở dưới bờ sông, còn nương du canh thì nhiều.
Thôn lớn nhất là thôn này, gọi là thôn Bãi Đá hay La Pan Tẩn cũng được.
Thôn lớn thứ hai là thôn Bản Ngò. Kia kìa, đồng chí có nhìn thấy không?
- Mấy hôm vừa rồi từ huyện vào tớ có ở đấy rồi, có phải cái thôn có
nhiều chó giá rất rẻ không?
- Đó! Qua con suối lớn, đến bãi cỏ xanh thả ngựa, trâu bò là nó. Trông
thế mà từ đây xuống phải đến sáu cây số đấy.
- Cậu nói vào vấn đề chính và nói lại chầm chậm một tí để tớ ghi đi,
toàn xã có hai trăm bao nhiêu hộ, lúa ruộng ở dưới bờ sông gì có bao nhiêu
hát a?
Ông phái viên dệnh dạng đôi chân, tạo thế ngồi ổn định rồi tì ngòi bút
lên trang sổ đã mở. Khổ, ngòi bút lâu không viết đóng két mực. Ông phải
vẩy một thôi một hồi, mực thông, mới lại đặt ngòi bút lên trang giấy, mắm
môi mắm lợi ấn. Trông ông viết cũng thấy khổ lây. Môi ông uốn theo từng
nét chữ. Đã có tờ lót kẻ hàng ở dưới làm cữ, mà chữ vẫn cứ như leo dốc.
Đã vậy chữ nào chữ ấy đều to xều, chỉ được năm bẩy chữ đã lại phải
chuyển dòng. Huyện ông viết thành huện. Bờ sông ông viết thành bờ xông.