huống hồ đây lại còn là một cấp trên, một điểm tựa. Thiêm từ nay có thể
đặt vào ông niềm hy vọng về một sự trợ giúp, đối với sự nghiệp mà anh tôn
thờ. Bên ông, anh thật bé nhỏ.
Bốn mươi nhăm tuổi đời. Hai mươi tuổi đảng. Hai mươi hai tuổi quân.
Xuất thân không tấc đất cắm dùi ở một huyện nghèo của tỉnh Hải Dương.
Lên Hà Nội từ năm mười ba tuổi, gia nhập đội quân vô sản thành thị. Đánh
giầy. Bán báo. Nấu rượu lậu. Bị nhà đoan Tây bắt giam. Ra tù, bốc vác ở
nhà ga xe lửa, kéo xe tay thuê. Tình cờ bị hiến binh Nhật bắt. Trốn tù, về
làng đúng lúc cách mạng bùng nổ. Vác mã tấu lên chém xả vai tri huyện.
Đánh cướp. Bị Việt Minh bắt vì dính líu vào một vụ cướp của giết người.
Được khoan hồng. Nam Tiến vào chiến trường Đồng Nai. Hoà bình lập lại,
tập kết ra Bắc, theo học trường học sinh Miền Nam một năm rồi chuyển
sang làm cán bộ cục vận tải đường sắt. Ít lâu sau lên đây trong chức danh:
phái viên huyện.
Ôi, những trang tiểu sử ly kỳ, oai dũng và kiêu hùng! Đất nước biến
động, phản ánh những thăng trầm, xáo lộn, qua những nhân vật của mình.
Quốc Thanh, với những gì đã trải, hoàn toàn có thể vỗ ngực kiêu ngạo, rằng
mình chính là một phần tử tiêu biểu của cuộc sống dữ dội mấy chục năm
qua mà không chút hổ thẹn. Bị thôi miên vì ánh hào quang của lịch sử, đã
có lúc Thiêm nghĩ, ông Quốc Thanh, với vị trí đứng đầu một cái xã rẻo cao
nhỏ mọn như La Pan Tẩn, cũng chưa xứng đâu. Ông còn phải ở vị trí cao
hơn, với quyền hành lớn hơn nữa mới phải.
Trái hẳn với những câu nói lằng nhằng dính nhau, không phân cách
bằng dấu chấm, dấu phẩy, tác phong sinh hoạt và cung cách nghĩ ngợi của
ông lại thật đơn giản, rõ ràng. Việc nhỏ nhặt như việc ăn uống, ông xử sự
cũng rất sòng phẳng. Ông ăn như hổ đổ đó, như hủi ăn mỡ, mỗi bữa bảy bát
sắt, nhưng góp gạo thổi cơm chung, ông yêu cầu chỉ đong đúng hai trăm
năm mươi gam gạo phần ông và bảo: độn thêm khoai sắn vào để ăn no chứ
không được phạm tiêu chuẩn gạo. Tiền thức ăn, mỗi tuần ông thanh toán
một lần với Thiêm. Hai hào rưỡi một bữa nhân với số bữa chấm hàng ngày,
không thể sai, vì ngoài bản chấm cơm dán công khai ở bếp, ông còn ghi ở