Lặn lội xuống các thôn xóm một tuần liền, trở về, ông Quốc Thanh
củng cố nhận định và quyết tâm sau đây: La Pan Tẩn là một xã trắng. Chưa
có phong trào. Chưa có chính trị. Chưa có kinh tế tập thể. Chưa có lực
lượng bảo vệ an ninh. Phải quật một làn roi vào đầu nó cho nó thức dậy.
- Ta chia dân thành hai cụm để học tập nghị quyết của huyện - Ông
Quốc Thanh bảo Thiêm - Cụm thứ nhất là thôn trung tâm này do đồng chí
phụ trách, dưới sự trực tiếp chỉ đạo của tôi, cửu đại hơn ngoại nhân, dẫu
sao tôi vẫn tin đồng chí, thêm nữa đồng chí sẽ được tôi bồi dưỡng thêm về
nội dung nghị quyết, đồng chí lại biết tiếng Mèo nên sẽ có thuận lợi, cụm
thứ hai đặt ở Bản Ngò do tôi lãnh đạo kèm thêm một phiên dịch phụ trách.
Thiêm gãi tai có ý ngại. Ông phái viên trợn trừng hai con mắt lệch
nhau, nhăm nhe:
- Đây là dịp thử thách hiếm có với đồng chí đấy, quân lệnh như sơn,
yêu cầu dẹp hết việc học văn hoá lại, thiếu tư tưởng chính trị thì lạc lối, chứ
thiếu văn hoá cũng chẳng chết ai rõ chưa anh giáo!
Ngắt một hơi, lui một bước cách Thiêm, ông dằn giọng:
- Báo để anh biết, lúc này cần tập trung chứ không cần dân chủ, tôi đã
lệnh cho các thôn: ai không đi học sẽ bị đưa ra phê bình, bị coi như chống
đối.
La Pan Tẩn ở độ cao hai ngàn mét so với mặt biển, lúc này đang ngập
trong đông giá. Chập tối sương lạnh sa đầy bãi đá, cách hai bước đã không
nhìn thấy mặt nhau. Nửa đêm, nước chẩy trên máng cũng đóng băng.
Ruộng nước ở trên núi lúc này đều vào dịp hưu canh. Vụ đông xuân chỉ còn
trông cậy vào số ruộng mười lăm héc ta dưới bờ sông Chẩy. Miếng ăn, nỗi
lo từ tiên tổ truyền lại, ám ảnh tâm trí từ ông già đến trẻ nhỏ. Sớm bửng, do
vậy vợ chồng, con cái đã kéo nhau xuống núi. Chài chãi một ngày dài trong
công việc cấy trồng, gặt hái, chăm bón, leo dốc trở về tới nhà đã xẩm xẩm
lại còn phải chăm sóc lợn gà, nấu ăn bữa tối. Ăn xong bữa tối, mệt mỏi chỉ
muốn lăn ra ngủ. Nhưng nghe kẻng thúc, sợ bị phê bình, bị quy tội chống
đối, vội đốt đóm lò dò đến nơi tập trung.