"Nói lớn lên...Già, điếc rồi!"
Cụ lại cười. Tôi đánh bạo, hỏi.
"Ghềnh nào thì già không biết ở chỗ mô...Nhiều ghềnh trên núi này lắm.
Chú tìm chi trên nớ?"Cụ già đáp, mắt nhướng lên.
Không lẽ tôi lại trả lời cụ bằng cái tít "Nơi để Chết trong cái Đẹp cứu
rỗi"? Chắc chắn cụ không hiểu. Thật ra, chính tôi, tôi nào đã hiểu gì đâu.
Chợt nhớ bài phóng sự có nói ghềnh V cách mộ nhà thơ ba mươi phút chim
bay, tôi ghé tai cụ hỏi mộ nhà thơ tên tuổi.
"À, mộ nhà thơ thì già biết... Ổng gốc Huế, nhưng ra QN sống, phải
không! Từ đây đi, chắc cũng hơn một giờ mới tới mộ được."
Cụ già chỉ đường với mọi chi tiết để tôi không lạc trong núi trong buổi
chiều tà. Tôi sợ, hỏi:
"Ở đây còn có cọp không cụ?"
Cụ bật cười:
"Thời chiến, bom bỏ nhiều, cọp chạy sang Lào...Hết bom đạn, cọp về
nhưng người mình ăn nó hết, xương nấu làm cao, bán lời lắm. Đừng sợ
cọp, nhưng coi chừng rắn độc! Và bọn ăn cướp! "
Tôi mỉm cười, thầm nhủ chết dưới nanh vuốt cọp hay nọc độc rắn không
thể là trong cái Đẹp.
"Đi lên mộ thì đi liền, kẻo trời tối", cụ già vỗ vai tôi như giục.
Cám ơn cụ, tôi lại quàng ba-lô lên lưng. Bây giờ, tôi biết đi đâu, trước
khi tiếp tục đặt chân trên con đường dài ba mươi phút chim bay.
5
Trời chập choạng khi tôi leo lên mỏm núi nơi chôn nhà thơ tên tuổi.
Ngay bên cạnh mộ, là một ngôi đền. Trong cái sảnh khá rộng, thơ in lại mới
đây bầy bán. Một người trung niên đứng dậy chào, giới thiệu mình là cháu
gọi nhà thơ bằng ông. Làm công việc thủ đền, ông bán những mặt hàng lưu
niệm và chấp bút chép thơ theo thư pháp viết chữ Việt kiểu chữ Hán khi có
khách đặt hàng. Mùa này ít kẻ vãng lai, và có thì họ đến quãng trưa, chẳng
mấy ai lên mộ lúc tối trời. Nhìn tôi, người thủ đền hơi ngạc nhiên, nhưng