GHỀNH V - Trang 8

tác giả bài "Nơi để Chết trong cái Đẹp cứu rỗi". Nghe tôi gặng hỏi về liên
quan giữa Chết và Đẹp, anh phóng viên đáp, thì cái Đẹp cứu rỗi, như
Dostoievski từng nói đấy. Không, tôi cằn nhằn, ông nhà văn lừng lẫy này
người Nga, thừa hưởng văn hóa Kitô phương Tây. Còn tôi, gốc phương
Đông, tôi khác. Khác thế nào, anh bạn tôi trừng mắt, Đông hay Tây thì
cũng là con người thôi. Chưa chắc, tôi thầm nhủ, nhưng không hẳn biết
những khác biệt văn hóa cơ bản. Lẩm bẩm, tôi nhắc như để tự thuyết phục,
chết trong cái Đẹp là chết được cứu rỗi. Vướng ngay ở mệnh đề cái Đẹp
cứu rỗi, tôi bảo anh bạn rằng chính tôi có một trải nghiệm khác. Cái Đẹp
cho đến nay khiến tôi bỏ chức Giám Đốc, thành nhân viên công nhật cho
một tờ báo khá rác, và vẫn cứ là một nhà thơ hạng ba, nay mang mặc cảm
làm chồng mà chẳng cưu mang nổi vợ, về nhà len lén như kẻ cắp.

"Cái Đẹp cứu rỗi thế ư?", tôi cao giọng hoài nghi.
Anh bạn phóng viên khinh khỉnh, bạn đang đi tìm cái Đẹp chứ có ai bảo

bạn tìm thấy rồi đâu! Tìm thấy nhiều khi không quan trọng bằng đi tìm, bạn
ạ. Thấy, có thể rồi sẽ mất. Còn đi tìm, thì cứ mãi mãi trước mặt, chưa có thì
chẳng mất đi vào đâu được!

Nhưng Đông và Tây khác nhau thế nào? Thế hệ chúng tôi được đào tạo

bằng khẩu hiệu, thắc mắc thì tán láo như những triết gia chủ nhật ở quán
cóc. Và sự bức bách của cuộc sống khiến ai nấy càng ít đặt câu hỏi càng
thảnh thơi. Lần này, thì khác, tôi tự nhủ. Rảnh được phút nào, tôi vào thư
viện hoặc lên mạng tìm thông tin. Nhưng quả thật khó, nhất là kiến thức
kinh điển phía phương Đông. Nghe tôi phàn nàn, anh bạn phóng viên
thương hại, bảo :

"Ông Thày ở cái am gần ghềnh có thể giúp bạn. Xưa ông làm kiểm lâm,

nhưng ba mươi năm nay quanh quẩn trên ghềnh...Nghe đồn là sự minh triết
của ông đã giải thoát nhiều người..."

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.