giày. Con gái nhà Shultz, bé Edith, đang hoặc đã từng là bạn thân của
Sabitha. Điều đó cũng tự nhiên thôi, vì hai đứa ở gần nhà mà lại học cùng
lớp cùng trường - ít nhất là vào năm học trước, khi Sabitha bị đúp. Ông
McCauley không hề buồn phiền - hình như ông đã manh nha cảm thấy rồi
Sabitha sẽ rời khỏi đây sớm để có một cuộc sống khác ở Toronto. Johanna
chắc sẽ không chọn Edith để làm bạn với Sabitha, dù cô bé không bao giờ
mất lịch sự hay gây phiền hà khi tới nhà chơi. Và cô bé không hề ngốc
nghếch. Có lẽ đó chính là vấn đề - cô bé thông minh còn Sabitha thì không.
Cô bé đã làm cho Sabitha trở nên tinh quái hơn.
Nhưng giờ thì mọi chuyện đã kết thúc. Giờ đây người em họ của mẹ con
bé, dì Roxanne - vợ ông Huber - đã tới đón Sabitha, và cô bạn nhà Shultz
đã trở thành một ký ức tuổi thơ của nó.
Em sắp chuyển hết đồ nội thất của anh bằng tàu hỏa tới cho anh ngay
khi bên họ sẽ xếp được chuyến sớm nhất. Em sẽ trả trước tiền cước vận
chuyển ngay khi họ báo giá. Em vẫn nghĩ bây giờ anh đang cần những đồ
đạc đó. Em chắc anh sẽ không ngạc nhiên lắm vì em đoán anh sẽ không
phiền lòng về việc em cũng tới trên cùng chuyến tàu để giúp được anh như
em mong muốn.
Đó là nội dung lá thư cô đã mang gửi ở bưu điện, trước khi đến đặt
chuyến ở nhà ga xe lửa. Đây là lá thư đầu tiên cô gửi trực tiếp cho người
ấy. Các lá thư trước đó luôn được kẹp cùng những lá thư cô bảo bé Sabitha
viết. Và thư từ anh gửi cho cô cũng bằng cách đó, được gấp cẩn thận và có
tên cô, Johanna, đánh máy ở mặt sau để khỏi bị nhầm. Cách đó vừa khiến
những nhân viên bưu điện không thể phát hiện ra mối liên hệ, vừa tiết kiệm
thêm được một con tem. Tất nhiên, Sabitha cũng có thể báo cho ông nó,
hay thậm chí đọc được nội dung những tờ thư viết cho Johanna, nhưng
Sabitha không còn hứng thú chuyện trò với ông già cũng như chẳng có
hứng viết hay nhận thư.
Đồ nội thất được cất vào nhà kho, một cái kho kiểu thành phố chứ không
phải kho trang trại nơi trữ thóc và làm chỗ ngủ cho gia súc. Khi Johanna để
mắt đến những đồ đạc đó quãng một năm về trước, cô thấy chúng đã phủ