Cô không biết cái gì đã bắt đầu tình trạng này. Sự thiếu thoải mái, đơn
giản là vì độ này cô hiếm khi trò chuyện với người lạ. Cảm giác kỳ quặc
khi một mình đi chung xe với một người đàn ông không phải là chồng
mình.
Một cách thiếu suy nghĩ, cô thậm chí còn hỏi ông bác sĩ nghĩ gì về việc
Pierre cho rằng tai nạn xe máy này thực ra là tự tử.
“Cô có thể gán cái ý tưởng đó cho vô số những tai nạn nghiêm trọng như
vậy,” ông ta đáp.
“Không cần phải bận tâm chở tôi vào tận trong đâu,” cô nói. “Tôi xuống
đây được rồi.” Quá xấu hổ và chỉ mong được thoát khỏi ông ta, thoát khỏi
cái vẻ thờ ơ chẳng mấy lịch sự, cô để tay lên nắm cửa, như thể chực mở cửa
thậm chí khi xe còn đang chạy ngoài đường.
“Tôi sẽ đậu xe lại,” ông ta nói, vẫn đánh xe vào. “Tôi không có ý định bỏ
rơi cô ở đây.”
Cô bảo, “Có thể tôi sẽ ở lại lâu đấy.”
“Không sao cả. tôi sẽ đợi. Hoặc tôi có thể vào trong xem thế nào. Nếu cô
không thấy phiền.”
Cô định nói là viện dưỡng lão có thể sẽ rất ảm đạm thê lương và khiến
người ta mất bình tĩnh. Rồi cô sực nhớ ông ta là bác sĩ thì chắc cũng chẳng
có gì ở đây mà ông ta chưa từng thấy. Có gì đó trong cái cách ông ta nói
“nếu cô không thấy phiền khiến cô ngạc nhiên - chút khách sáo, nhưng
cũng có chút ngập ngừng trong giọng nói. Có vẻ như ông ta đang đề nghị
dành thời gian cho cô, và sự hiện diện của ông ta ở đây không hẳn chỉ là vì
lịch sự, mà là vì chính cô. Đó là một lời đề nghị có chút nhún nhường thẳng
thắn, nhưng không một chút cầu xin. Nếu cô nói rằng cô không muốn tốn
thêm thời gian của ông ta thì có lẽ ông ta cũng chẳng thuyết phục thêm, ông
ta sẽ chào tạm biệt, cũng với một phép lịch sự tương tự và lái xe đi.
Và thế là, họ xuống xe, sánh bước đi qua bãi đậu xe về phía cửa chính.
Vài ông bà già hoặc người tàn tật đang ngồi ở khoảng vỉa hè có những
bụi cây trông như lông thú và những chậu hoa dã yên thảo đặt xung quanh,