đời. Bà sống bằng lương hưu, chuyển qua vẽ màu nước vì không có đủ tiền
vẽ tranh sơn dầu, nhịn ăn để có thể dẫn Meriel đi ăn trưa (mẹ của Meriel
ngờ là thế) - lúc ấy cô còn là sinh viên đại học. Trong những dịp này, bà
thường nói hàng tràng những truyện tiếu lâm và chê bai phê phán, thường
là để vạch ra rằng những tác phẩm hay ý tưởng mà người ta đang say sưa
bàn tán toàn là những thứ vớ vẩn, nhưng thỉnh thoảng, từ tác phẩm của một
ai đó, một nghệ sĩ đương đại không tiếng tăm, hay một nhân vật từ thế kỷ
trước đã gần như bị lãng quên, lại có điểm gì đó phi thường. Bà dùng cái từ
mạnh mẽ đó để ca ngợi - “phi thường”. Giọng bà bỗng có vẻ tĩnh lặng, như
thể ngay tại thời điểm đó và trước sự bất ngờ của chính bản thân mình, bà
đã được thấy một phẩm chất vẫn còn đáng được quý trọng tuyệt đối trên cõi
đời này.
Ông bác sĩ quay lại với hai cái ghế và tự giới thiệu, hoàn toàn tự nhiên,
cứ như thể đến bây giờ ông mới có dịp giới thiệu.
“Eric Asher.”
“Ông ấy là bác sĩ Meriel giới thiệu thêm. Cô định giải thích về chuyện
đám tang, về tai nạn, về chuyện bay từ Smithers xuống đây, nhưng cô đã bị
tước mất cơ hội.
“Bác yên tâm, tôi không đến đây với cương vị bác sĩ đâu,” ông bác sĩ
trấn an.
“Ồ không,” dì Muriel nói. “Anh đến đây với con bé.”
“Vâng,” ông trả lời.
Đúng lúc đó, ông vươn người qua khoảng trống giữa hai chiếc ghế, cầm
tay Meriel, siết chặt tay cô trong một khoảnh khắc rồi buông. Ông nói với
dì Muriel, “Làm sao bác biết được? Qua hơi thở của tôi à?”
“Tôi biết chứ,” bà nói với vẻ thiếu kiên nhẫn. “Bản thân tôi cũng đã từng
ranh ma quỷ quái lắm đấy nhé.”
Giọng bà - rung rung như có tiếng cười ranh mãnh trong đó - không
giống tất cả những giọng điệu khác của bà mà Meriel nhớ. Cô cảm giác như
có một sự phản bội nào đó đang khuấy lên, từ bà lão mà đột nhiên cô thấy