Và khách hàng thường đồng tình, “Đúng đấy. Tôi cũng thế đấy.”
Hay là, “Người đời cứ nghĩ họ biết đau đớn là gì, nhưng họ thậm chí
không biết đến một nửa cái cảm giác đau đớn ấy.”
Và sau khi tiễn khách ra cửa, dì Bet sẽ quay lại, rên rỉ và nói, “Trong tối
mà sờ phải mặt bà ta thì không thể phân biệt được đấy là giấy nhám hay da
mặt.”
Chị Queenie không có vẻ gì là muốn nghe những chuyện này. Mà đằng
nào cũng chả có mấy thời gian. Chưa uống xong Coca thì chúng tôi đã nghe
thấy tiếng bước chân bước nhanh và mạnh trên lối đi rải sỏi và ông
Vorguilla bước vào bếp.
“Anh xem ai này,” chị Queenie kêu lên. Chị nhổm dậy, dường như muốn
chạm tay vào ông nhưng ông đã đi né về phía bồn rửa.
Giọng chị đầy vẻ ngạc nhiên cười đùa khiến tôi nghi ngờ không biết ông
ta có được kể trước về lá thư của tôi hay về chuyện tôi trên đường tới đây.
“Chrissy đây này,” chị nói.
“Anh thấy mà,” ông Vorguilla trả lời. “Chrissy, chắc cháu phải thích thời
tiết nóng nực lắm nên mới đến Toronto vào mùa hè như thế này.” “Nó định
đi tìm việc làm,” chị Queenie nói.
“Cháu có bằng cấp gì không?” ông Vorguilla hỏi. “Cháu có bằng cấp gì
để tìm việc ở Toronto?”
Chị Queenie trả lời, “Nó có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.”
“Vậy à, hy vọng như vậy là đủ,” ông Vorguilla nói. Ông rót một ly nước
và uống một hơi cạn ly, lưng quay lại chúng tôi. Giống hệt như ông vẫn
thường làm ở nhà cũ, cái nhà họ Vorguilla cạnh nhà tôi, khi bà Vorguilla,
chị Queenie và tôi ngồi ở trong bếp. Ông Vorguilla về nhà sau một buổi tập
dượt đâu đó, hay ông nghỉ giải lao trong lúc dạy đàn piano phòng khách.
Nghe tiếng chân ông, bà Vorguilla sẽ nhìn chúng tôi mỉm cười ra hiệu. Tất
cả chúng tôi cùng cúi xuống nhìn vào những mẩu chữ cái của trò xếp chữ,
cho ông ấy cơ hội tự quyết định có bắt chuyện với chúng tôi hay không.
Đôi khi ông không bắt chuyện. Tiếng mở cửa tủ ly, tiếng vặn vòi nước,