tóc khác cho tôi và trang điểm mắt, nhưng kết quả không như chị mong
đợi. “Mày đúng là loại người nên để tự nhiên,” chị bảo, và tôi xóa hết son
phấn của chị, bôi cây son của mình, màu đỏ bình thường, không lóng lánh
nhợt nhạt như của chị.
Đến lúc này thì đã quá muộn, chị Queenie không thể đi cùng tôi đến
kiểm tra hộp thư của chị. Chị phải chuẩn bị đi làm. Hôm ấy là thứ Bảy nên
chị phải làm cả buổi chiều và buổi tối. Chị lấy chìa khóa ra và nhờ tôi đi
kiểm tra thư cho chị. Chị giải thích cho tôi chỗ để hộp thư.
“Tao phải có hộp thư riêng khi tao viết cho dượng,” chị phân bua.
Công việc tôi tìm được là hiệu thuốc dưới tầng hầm một khu căn hộ. Tôi
được thuê phục vụ quầy bán đồ ăn trưa. Lúc mới bước vào tôi nghĩ mình sẽ
chẳng có hy vọng gì. Tóc tôi xõa xượi vì trời nóng và mồ hôi lấm tấm phía
trên miệng như một lớp ria mép bằng nước. Ít ra tôi đã đỡ đau bụng hơn.
Một bà mặc đồng phục trắng đang uống cà phê ở quầy.
“Cô đến tìm việc à?” bà ta hỏi.
Tôi trả lời vâng. Bà ta có khuôn mặt thô, vuông vức, chân mày kẻ chì, và
bộ tóc màu tim tím bới lên như cái tổ ong.
“Cô nói tiếng anh chứ?”
“Dạ có.”
“Ý tôi là không phải cô vừa mới học nói tiếng Anh đấy chứ? Cô có phải
là người nước ngoài không?” Tôi bảo không.
“Hai ngày vừa rồi tôi đã thử hai cô và phải cho nghỉ cả hai. Một cô làm
bộ như biết tiếng Anh nhưng không nói được gì, còn cô kia thì việc gì tôi
cũng phải nói đi nói lại cả chục lần. Ra bồn đằng kia rửa tay thật kỹ, tôi sẽ
lấy cho cô cái tạp dề. Chồng tôi là dược sĩ, còn tôi tính tiền. (Lúc này tôi
mới nhận ra người đàn ông tóc muối tiêu đằng sau cái quầy cao trong góc,
đang nhìn tôi nhưng lại giả vờ như không nhìn.) “Bây giờ vắng khách,
nhưng chút nữa sẽ đông. Khách toàn và người già trong khu, sau giấc ngủ
trưa họ thường xuống đây kiếm cà phê.”