có thể nói là tôi làm ở quê nhà. Trong khi chờ xe, tôi lấy ra danh sách
những nơi định xin việc khác và bản đồ chị Queenie đưa cho tôi. Nhưng lúc
ấy đã muộn hơn tôi tưởng và nhiều chỗ có vẻ quá xa. Tôi hoảng sợ khi nghĩ
đến chuyện phải nói cho ông Vorguilla biết sự thật. Tôi quyết định đi bộ về,
hy vọng là khi về đến nhà thì ông ta đã đi làm.
Khi vừa rẽ vào để lên đồi thì tôi sực nhớ đến hộp thư ở bưu điện. Tôi
vòng trở lại bưu điện, lấy lá thư ra từ hộp thư và đi bộ về nhà. Chắc giờ này
ông ta đã đi rồi.
Nhưng hóa ra ông ta chưa đi. Khi tôi đi ngang qua cửa sổ phòng khách
trông ra con đường mòn bên cạnh nhà, tôi nghe thấy tiếng nhạc. Đây không
phải là nhạc chị Queenie nghe. Đó là kiểu nhạc phức tạp mà đôi khi chúng
tôi nghe được qua cửa sổ để ngỏ từ nhà Vorguilla - loại nhạc đòi hỏi sự chú
ý của người nghe nhưng rồi chẳng đi đến đâu cả, hay ít ra là nghe mãi cũng
chả thấy đi đến đâu. Nhạc cổ điển.
Chị Queenie đang ở trong bếp, mặc một cái váy bó sát người khác, và
trang điểm kỹ càng. Chị đeo vàng đầy hai cánh tay. Chị đang chuẩn bị khay
trà. Tôi hơi chóng mặt vì vừa ở ngoài trời nắng về, và không một mẩu da
nào là không ướt đầm mồ hôi.
“Suỵt,” chị Queenie ra hiệu, vì tôi vừa đóng sập cửa. “Họ đang ở trong
nhà nghe nhạc. Anh ấy với anh bạn Leslie.”
Chị vừa nói xong thì tiếng nhạc đột ngột ngưng lại và một cuộc bàn luận
sôi nổi tuôn ra như pháo rang.
“Một người cho máy chơi nhạc và người kia phải đoán là bài gì từ một
đoạn nhạc ngắn,” chị Queenie giải thích. “Họ chơi cứ chút một rồi ngưng,
chơi tới chơi lui hoài. Muốn điên cái đầu luôn.” Chị bắt đầu thái thịt gà
nguội đặt lên những lát bánh mì quết bơ. “Mày có tìm được việc không?”
chị hỏi.
“Có, nhưng mà chẳng được lâu.”
“Ừ, không sao.” Chị không có vẻ quan tâm lắm. Nhưng khi nhạc vừa bắt
đầu lại, chị ngước lên và mỉm cười hỏi, “Mày có đến…” Chưa dứt câu thì