Đúng là chẳng khó khăn gì mấy khi rót trà, mời đường sữa, đưa bánh và
thậm chí nói chuyện với một người, khi mình biết một điều gì đó mà họ
không biết, về mối nguy cơ đang đe dọa họ. Chính bởi vì ông Vorguilla
không biết nên tôi có một cảm giác khác trước ông, ngoài cảm giác căm
ghét ra. Chứ không phải vì bản thân ông đã thay đổi - hoặc giả nếu ông có
thay đổi thì có lẽ là do tôi đã thay đổi.
Chẳng mấy chốc ông cho biết đã đến giờ ông chuẩn bị đi làm. Ông đi
thay quần áo. Rồi Leslie hỏi tôi có muốn đi ăn tối với anh hay không.
“Tôi hay đi ăn ở một chỗ ngay góc đường đây thôi,” anh nói. “Chẳng có
gì sang trọng đâu. Không phải như chỗ anh Stan làm việc đâu.”
Tôi mừng rỡ khi nghe nói đấy không phải là chỗ sang trọng. Tôi nói,
“Vâng.” Sau khi thả ông Vorguilla ở nhà hàng, chúng tôi đi xe của Leslie
đến một chỗ bán cá và khoai tây chiên. Leslie gọi suất ăn tối đặc biệt - mặc
dù anh vừa mới ngốn hết mấy cái sandwich thịt gà xong- còn tôi thì chỉ gọi
suất vừa. Anh uống bia, còn tôi uống Coca.
Anh kể về mình. Anh bảo ước gì trước đây chọn học Cao đẳng Sư phạm
thay vì chọn âm nhạc, vì cái nghề này bấp bênh quá.
Tôi thì đang quá mải nghĩ về tình huống của mình nên cũng không hỏi
anh là nhạc sĩ gì. Cha tôi mua cho tôi cái vé khứ hồi và bảo, “Ở với ông ta
và với con bé ấy, con chả bao giờ biết chắc được cái gì đâu.” Tôi đã nghĩ
đến cái vé khứ hồi lúc tôi quan sát chị lận lá thư vào lưng quần lót. Mặc dù
lúc ấy tôi thậm chí chưa biết đó là thư của Anthew.
Tôi đến đây đâu phải chỉ để đến Toronto, hay tôi đến Toronto đâu phải
chỉ để kiếm việc làm mùa hè. Tôi đến đây để được là một phần cuộc sống
của chị Queenie. Hoặc nếu cần, một phần cuộc sống của chị và của ông
Vorguilla. Thậm chí khi tôi tưởng tượng đến chuyện chị Queenie sống với
tôi, những tưởng tượng ấy cũng liên quan đến ông Vorguilla, đến chuyện
chị trừng phạt ông ấy đích đáng. Khi tôi nghĩ về cái vé khứ hồi, tôi đã coi
một chuyện khác là đương nhiên.