nhập cuộc sống bình thường được. Nhưng chừng đó chưa đủ làm cái cớ để
biện minh được. Đúng không nào? Tôi không thể tha thứ cho nó suốt đời
chỉ vì cuộc chiến ấy được.”
“Đúng rồi, sao thế được.”
“Tôi biết nó là loại không thể tin được ngay lần gặp đầu tiên. Thế mới kỳ
chứ. Tôi biết điều đó, mà vẫn để cho nó bòn rút. Có những kẻ như thế đấy
bác ạ. Chỉ vì biết chúng đểu giả nên ta thương xót chúng. Tôi đã kiếm cho
nó việc trong ngành bảo hiểm đó, tôi cũng có quen biết đôi chút. Tất nhiên
là nó lại không trụ được. Đồ lưu manh. Có những kẻ suốt đời như thế.”
“Ông nói phải lắm.”
Hôm nay bác gái Shultz không có ở tiệm. Thường bác vẫn đứng ở quầy,
nhận giày của khách mang đến sửa, rồi mang vào cho chồng xem sau đó ra
nói lại với khách ý kiến của chồng, viết hóa đơn, thu tiền khi trả giày lại
cho khách. Ông McCauley chợt nhớ mùa hè năm đó bác gái vừa trải qua
một ca phẫu thuật gì đó.
“Bác gái hôm nay không ra cửa hàng à? Dạo này bà ấy khỏe không?”
“Hôm nay cô ấy muốn nghỉ ngơi. Tôi cho cháu ra giúp ông ạ.”
Bác Herman hất đầu về phía những cái giá bên phải quầy, nơi để những
chiếc giày đã làm xong. Ông McCauley quay đầu nhìn theo và thấy Edith,
con gái ông bà Shultz, thế mà từ lúc vào ông không nhận thấy sự có mặt
của nó. Một bé gái gầy gò kiểu trẻ con với mái tóc đen thẳng đang sắp xếp
lại những đôi giày, lưng quay lại phía ông. Đúng là phong cách mà nó
thường thoắt đến thoắt đi khỏi nhà ông hồi còn làm bạn với Sabitha. Dường
như không ai có thể nhìn kỹ được mặt nó.
“Giờ cháu có thể ra giúp bố được rồi đấy hả?” ông McCauley cất tiếng.
“Cháu học xong rồi à?”
“Hôm nay là thứ Bảy,” Edith nói, hơi ngoái người lại và hé môi cười.
“Ờ nhỉ. Mà, đỡ đần cho bố thì dù sao cũng là việc tốt. Cháu phải chăm
sóc cha mẹ. Họ đã làm lụng chăm chỉ và sống tử tế.” Với giọng pha nhẹ