“Vâng,” người giám sát trả lời, giọng ân cần. “Tôi chỉ muốn mọi thứ rõ
ràng ngay từ đầu.”
Họ đã từng đến Hồ Thảo Nguyên vài lần cách đây mấy năm, thăm ông
Farquar, ông nông dân già không vợ từng là hàng xóm của họ. Ông đã sống
một mình trong căn nhà gạch thông thống gió, không sửa đổi gì từ những
năm đầu thế kỷ, ngoài việc có thêm cái tủ lạnh và cái ti vi. Ông thường qua
thăm Grant và Fiona, không báo trước nhưng cũng không quá thường
xuyên. Ông thích bàn luận về những vụ việc ở địa phương, cũng như về
những cuốn sách ông đang đọc - cuộc chiến tranh vùng Crimea, những
chuyến thám hiểm Bắc Cực, hay lịch sử súng ống. Nhưng từ khi về Hồ
Thảo Nguyên, ông chỉ toàn nói về những chuyện thường ngày ở đó, và họ
phát hiện ra là, mặc dù hài lòng đấy, nhưng đối với ông, những chuyến
viếng thăm của họ là gánh nặng xã giao. Fiona đặc biệt khó chịu với mùi
nước tiểu và mùi thuốc tẩy vảng vất, bà ghét những bó hoa nhựa bày cho có
trong những hốc tường dọc hành lang mờ tối, trần thấp lè tè.
Bây giờ tòa nhà đó đã biến mất, mặc dù nó mới chỉ được xây vào những
năm năm mươi. Ngôi nhà của ông Farquar cũng mất dạng, thay vào đó,
người ta xây một thứ gì lòe loẹt kiểu lâu đài rẻ tiền làm nhà nghỉ cuối tuần
cho mấy người từ Toronto đến. Hồ Thảo Nguyên mới là một tòa nhà thoáng
mát, mái vòm, không khí dễ chịu thoang thoảng mùi gỗ thông. Cây cảnh là
cây thật, mọc sum suê từ những chậu sành khổng lồ.
Vậy mà không hiểu sao, suốt một tháng trời ròng rã không gặp bà, Grant
cứ bất chợt nhận ra mình đang hình dung Fiona ở trong tòa nhà cũ. Đấy là
cái tháng dài nhất trong đời ông, ông nghĩ nó còn dài hơn cả cái tháng ông
phải đi với mẹ thăm bà con họ hàng ở hạt Lanark, khi ông mười ba tuổi, và
dài hơn cả cái tháng mà Jacqui Adams đi nghỉ với gia đình cô và quãng
thời gian họ vừa mới bắt đầu tằng tịu với nhau. Ông gọi điện thoại đến Hồ
Thảo Nguyên mỗi ngày và hy vọng sẽ nói chuyện được với cô y tá tên
Kristy. Cô có vẻ hơi buồn cười khi thấy ông kiên trì nhẫn nại như vậy,
nhưng cô sẽ báo cáo đầy đủ hơn bất cứ y tá nào khác mà ông vớ phải.