Phía sau những chấn song sắt hàng rào nghĩa trang ngổn ngang cảnh
công trường. Ở đó, trong làn khói xanh, những xe chở pa-nen gầm gừ.
Những khối nhà ở dài đang lên tầng ba. Chiếc cần cẩu đang chầm chậm thả
những tấm tường vuông trổ sẵn cửa sổ xuống. Khoảng trời xám xịt trôi vùn
vụt sau mặt kính đầy bụi. Tấm pa-nen đã được đặt vào vị trí, và Serbakov
chợt nghĩ rằng từ nay, từ ô cửa sổ đó nhìn ra bao giờ cũng thấy khu nghĩa
trang, những đám tang, những cây thập tự và mộ chí. Chuyện đó đâu có gì
là dở, anh nghĩ, việc gì người ta cứ phải đẩy các nghĩa trang ra mãi tận
ngoại ô, việc gì mà người ta cứ phải tránh né nó. Phải như anh thì anh sẽ
giữ lại những nghĩa trang nhỏ ở ngay giữa thành phố. Để nhớ đến cái kiếp
phù du của đời người. Để người ta chôn cất ngay trước mặt mọi người, để
đưa lũ học trò đến đây cho chúng suy tưởng; như Puskin đã nói – để cuộc
đời trẻ trung đùa chơi bên cửa mộ. Cái chết phải được tận dụng để làm cho
con người ta trở nên tốt đẹp hơn. Những ý nghĩ ấy khiến Serbakov thích
thú. Một ngày kia, khi anh không còn phải làm việc ở nhà hát và không còn
bị ràng buộc bởi các thứ đơn đặt hàng nữa, anh sẽ vẽ một bộ tranh thuốc
nước về các loại nghĩa trang, những nấm mộ. Những tấm bia mộ – cái để bỏ
hoang phế, cái thì được chăm chút, trang trí cầu kỳ, hợm hĩnh… Tôi ca ngợi
không phải là cái chết, mà là cuộc sống, anh sẽ nói như thế nếu người ta
buộc tội… Bận theo đuổi những suy nghĩ của mình, anh không nhận thấy
đang có một tình trạng bất ổn. Nina Gurgenovna không tìm được ai để nói
vài lời kết thúc lễ tang. Vì mưa quá nên số người đưa tiễn vắng hẳn, một số
thì lẩn vào xe ngồi. Serbakov chợt tỉnh khi Gurgenovna nắm tay anh thì
thào năn nỉ. Anh hoàn toàn không định phát biểu mà thực tình thì đi đưa
đám cũng chỉ là tình cờ, anh được nhà hát cử đi đặt mua vòng hoa viếng.
Anh muốn giải thích tất cả những chuyện đó cho Nina Gurgenovna nghe,
nhưng đúng lúc ấy có một ông to béo, đứng tuổi đeo máy ảnh trước bụng
chen vào giữa họ và xin Nina Gurgenovna cho ông ta được phát biểu. Đôi
mắt kính dày cộp của ông ta trượt xuống chỏm mũi đầy mồ hôi, cái nhìn
của ông xúc động và cầu khẩn đến nỗi Nina Gurgenovna thốt nhiên chột dạ.
“Treliukin à?”. Chị ta hỏi lại. Cái họ ấy không nói lên điều gì với chị cả, và
Nina Gurgenovna dứt khoát từ chối – đã muộn rồi, bây giờ, để kết thúc,