ghê gớm trong những giọt nước mắt mà ông ta không sao che giấu được
khiến Serbakov cúi đầu, thấy ngượng thay cho Treliukin, cho cả đám người
bối rối cóng rét kia, cho cả sự vội vã của những kẻ đang đắp mộ.
Rời nghĩa trang, người ta quay về dự bữa tiệc tang. Serbakov lạnh run,
lên xe cùng mọi người, ước được làm một ngụm vôt-ka.
Bàn ăn dọn trong xưởng vẽ của Malinin. Xưởng rộng và trống hoang –
trần đầy những vết ố dột, bong tróc nham nhở nhưng nó vẫn làm cho
Serbakov thán phục vì sự rộng rãi của nó, vì những ngăn gác lửng có cầu
thang lên bằng gỗ sồi. Cách bài trí có sự cân nhắc kỹ lưỡng kết hợp với độ
bền chắc, với tính quy mô – cứ nhìn những ngăn giá để màu vẽ, những tay
nắm bằng đồng, những khung kéo của giá vẽ, những bậc thang bịt đồng là
đủ rõ.
Quanh bàn ăn xăng xái qua lại là hai bà em họ của Malinin. Người vào
ra, tụ tập rửa tay bên cái bồn rửa lớn bằng sành men xanh. Anđrianov,
Phalêev với Alla cùng với cái bà trên Bộ xuất hiện. Khi mọi người đã yên
vị, ngồi xuống bên cạnh Serbakov là Treliukin. Cốc đầu tiên, theo tục lệ,
mọi người uống mà không chạm cốc để tưởng nhớ người đã khuất.
Serbakov lập tức uống luôn thêm một cốc nữa rồi bắt đầu ăn. Người ta dọn
lên món khoai tây nóng, thịt luộc, cháo gạo nấu với nho. Sao lại có cháo ở
đây, Serbakov không hiểu. Món cháo cúng đấy, Treliukin nhắc anh. Ông ta
tiếp nhận mọi thứ với vẻ nghiêm trang sùng kính. Bàn ăn nghi ngút khói,
lấp lóa ánh thủy tinh, màu rau xanh, những trái cà chua rửa sạch, bóng
mọng. Màu sắc tươi tắn của bàn tiệc không sao hoà hợp được với những
khung cửa sổ mờ đục lâu ngày không được lau rửa cùng với mùi ẩm mốc
của một căn nhà rõ ràng là đã bỏ hoang lâu ngày. Điều đó đập ngay vào mắt
mọi người. Và đến đây mới vỡ lẽ là suốt những năm qua không một ai trong
số những người đang có mặt lui tới cái xưởng vẽ này. Điều này thật khó
hiểu, bởi trước đây người ta đến thăm nó thường xuyên. Mọi người ngồi
mãi đến khuya, hát hò, ăn uống, hỏi nhau xem ai đang vẽ gì. Người ta bị thu
hút đến với Malinin, ông giúp đỡ, gợi ý, ông giữ nhiều cương vị mà trước