Chính Malinin, dù chẳng ưa gì Phalêev, cũng tránh va chạm với y. Trong
các bài viết của Phalêev, ngay cả những bài tâng bốc, những cấu trúc được
dồn nén trong những bức tranh mà y phát hiện, từ sự phán xét của y khiến
chúng chết ngóm. Malinin thường gọi y là “nhà nghiền nát nghệ thuật”. Và
việc Phalêev giờ lại có mặt ở đây và hết lời tán dương Malinin, nói về ông
bằng giọng ông chủ, Serbakov cảm nhận được tất cả những điều này.
- Thế còn bác, bác nghĩ sao? Về sự im lặng của Malinin ấy? – Serbakov
hỏi Treliukin.
- Sao lại là im lặng? – Tseliukin nhún vai, thở dài, sau đó nói – Thế nếu
như không có sự im lặng nào hết thì sao? Có thể sẽ là một cái gì đó khác…
Khủng hoảng.
Serbakov bật cười.
Nếu vì khủng hoảng thì người ta không vứt bỏ bút vẽ, vì khủng hoảng
người ta thường trở thành lãnh đạo, thành phó chủ tịch Viện hàn lâm, thành
hiệu trưởng đại học… Mà thiếu gì chỗ để leo lên cơ chứ…
Anh bỏ vào miệng một lát khoai tây nóng và nhồm nhoàm nói:
- Làm sao lại có thể khủng hoảng với một cái xưởng vẽ như thế này. Một
cái giá vẽ trong hõm tường – đó là một thứ đồ chơi. Viền nẹp này, khung
chạm trổ này. Xin mời anh cứ làm việc đi – tôi chả thiết.
Serbakov cảm thấy cuộc đời của Malinin đầy bí ẩn hấp dẫn. Thực ra khi
con người ta còn sống thì cuộc đời người đó thật rõ ràng, nhưng khi người
ấy chết thì những bí mật lại xuất hiện. Kỳ lạ thật. Sao cái chết lại làm thay
đổi hình ảnh con người đến mức ấy nhỉ. Mọi thứ không sáng tỏ ra mà
ngược lại, mất hẳn những đường nét rõ ràng, thực chất của con người biến
mất.