Công việc thứ nhất của chàng là sửa chữa lại nhà cửa. Xưa kia, cha
chàng cần kiệm, ăn ở luộm thuộm thế nào xong thôi. Đã nhận được một
nền học vấn, giáo dục thái tây, nhất là đã nhiễm cách ăn ở của bọn lưu trú
Pháp trong trường Trung học, chàng không thể sống với sự thiếu thốn về
vật chất được. Vả lại, đó cũng là một cách để tỏ lòng yêu vợ. Chàng đã hai,
ba lần về thăm quê vợ. Chàng thấy ở nhà vợ cái gì cũng sang, từ nhà cửa,
đồ dùng cho chí các thứ bài trí trang hoàng. Chàng không hề biết tiếc tiền,
vì tiền ấy không phải tự chàng khó nhọc kiếm ra, nên thích cái gì là chàng
sắm liền, làm liền.
Nga nhất nhất để chồng được chuyên quyền, tự ý, không can ngăn một
lời, không bình phẩm một câu. Có lẽ mới về nhà chồng nàng còn bẽn lẽn,
ngượng ngùng. Có lẽ trong lúc chồng đau đớn vì cha mới chết, Nga không
muốn làm phật ý chàng. Nàng như chỉ biết có một điều: ngoan ngoãn chiều
chồng. Nàng đáng yêu đến nỗi một hôm ông chú sang định kỳ kèo An về
mọi sự phung phí, nàng van xin tha thiết khiến ông không nỡ to tiếng nữa,
chỉ thở dài quay đi.
An biết chuyện, càng yêu vợ, cảng vì nể vợ. Người vợ mà chàng đã
tưởng là một cái nợ cho chàng sau này khi cha chàng bắt ép chàng phải
thuận lấy, chàng không ngờ đâu nay chàng yêu được đến thế, yêu hoàn toàn
về hết các phương diện.
Sau năm tháng, năm tháng sống trong ái tình "trăng mật". Một hôm Nga
đột ngột hỏi chồng:
- Cậu định bao giờ đi Hà Nội?
An ngạc nhiên nhìn vợ. Nhưng chàng cũng mỉm cười hỏi lại:
- Mợ muốn ra Hà Nội chơi mấy hôm? Phải đấy, chúng ta đi Hà Nội chơi
nhé?
Không thấy vợ trả lời, An lại nói tiếp:
- Nhân tiện sắm ít thức cần dùng, và mua mươi quyển sách. Vậy bao giờ
ta đi, mợ?
Nga vẫn không đáp. Hai người yên lặng, ngồi nghĩ. Bỗng Nga lại hỏi:
- Cậu định sống mãi thế này à?