người thì ở thôn quê chẳng có ai có đủ sẵn sàng các thức, nên bàn ghế, đĩa
bát, mâm nồi đều phải thuê mượn khắp các nhà.
An ở buồng bên đi ra đứng dừng lại ngắm vợ, rồi mỉm cười nói:
- Đảm đang lắm!
Câu khen mỉa mai, bọn người nhà lại tưởng là lời trách móc. Một người
đáp:
- Bẩm quan lớn, bà lớn con vất vả luôn mấy hôm nay nên mệt quá.
Nghe tiếng quan lớn, bà lớn, An khó chịu vội bước ra sân. Cái rạp không
bàn ghế và không còn trang hoàng y môn, trướng, đối nữa, trông như cái
nhà trạm dựng trên mả. Những cột bương, những cót và phên liếp giơ ra,
nhây nhớp đất bùn cùng vôi ăn trầu và đủ các thứ bẩn mà các ông kỳ mục
đã tiện tay bôi vào.
An nhăn mặt đứng ngắm, lấy làm ghê tởm, nhất mùi thịt bò, thịt trâu hoi
khét lại vẫn còn phảng phất xông lên mũi chàng. Chàng lẩm bẩm: "Phải tìm
cách phới Hà Nội ngay mới được, ở nhà mãi, mình đến hoá điên mất!".
Chàng loay hoay tìm cớ để nói dối đi Hà Nội. Và chàng mỉm cười nghĩ
đến Xuyến, người đầu tiên đã cùng chàng "ăn mừng, ăn khao" sự đắc thắng
của chàng. Sau mấy ngày phiền phức, với những tục lệ quê mùa, chàng
cảm thấy lòng yêu cái đời phóng đãng càng tăng. Chàng muốn đi ngay để
hưởng lạc thú với tình nhân: "Chứ ở đây để luôn luôn ngẫm nghĩ, và nghe
bàn tới tương lai thì mình cũng đến chết mất thôi".
Một tiếng hắng giọng của ông Điều như đáp lại ý nghĩ của chàng. Chàng
vội quay lại.
- Chưa cho dỡ rạp à, anh Huyện?
An cố giữ cái cau mày:
- Thưa chú, chưa.
- Chị Huyện đâu?
- Thưa chú, nhà cháu kia, để cháu gọi.
An vào trong nhà đánh thức vợ dậy, cốt để vợ tiếp chuyện chú, cho mình
thoát nạn. Nhưng ông Điều gọi:
- Anh Huyện, để cho chị ấy nghỉ, ra đây tôi nói câu chuyện cần.
Nga đã chạy vội ra đon đả chào hỏi chú, rồi mời chú vào phòng khách.