- Chậc! thế thì bỏ ván này đi có hay không?
Chủ nhà cúi xuống vứt ngay tập giấy bạc vào hộp:
- Chết, sao các quan cho chúng nó nhiều thế? Đánh đi vài ván nữa đã.
Viết định cãi lại thì Tòng đã hạ ù, và gật gù xướng:
- Suông tình?
Thoa nhoẻn một nụ cười đĩ, hỏi lại:
- Suông tình?
- Vâng, thưa bà tôi ù thì chỉ toàn suông tình.
Thoa nhìn Viết, lim dim một mắt:
- Giá chúng mình ù thì chả suông tình tí nào nhỉ?
San vui vẻ nói:
- Thôi, tôi biết công ty đằng ấy rồi. Đỏ đâu mà đỏ thế! Ù ván nào cũng
có gà.
- Gà lắm chứ, người ta đã có một chuồng gà sẵn, muốn thả ra lúc nào là
có lúc ấy, phải không quan huyện?
Viết thản nhiên:
- Cũng có lúc không thả kịp.
Mọi người cười vang, nhưng thực ra ngoài cặp tình nhân, không ai hiểu
câu nói đầy nghĩa bóng ấy.
Những ngôn ngữ cử chỉ của Thoa đáng lẽ phải khiến một người chồng
ngờ vực, nhưng San nghe đã quen tai, nhìn đã quen mắt, đến nỗi không hề
nghĩ tới những ý tứ lẳng lơ của nàng. Không một tư tưởng gì, dù trong sạch
đến đâu mà nàng không xoay ra nói tục được, trước còn nói tục với một
mình chồng, sau thành thói quen nói tục cả với bạn của chồng. San thường
bảo nàng: "Giá mình sống vào thời xưa thì mình cũng đến làm những bài
thơ tục tĩu như cô Xuân Hương"...
Câu chớt nhả của Thoa đã nhắc San nhớ tới những bữa cháo gà mà
chàng rất thích, nhưng khi nào có khách đánh tổ tôm chàng mới được ăn.
Vợ chàng chỉ hoang với tình nhân, hay với khách khứa mà thôi, còn đối với
chồng con thì nàng rất nghiệt, chi về việc ăn tiêu trong nhà rất bủn xỉn.
Chàng liền hỏi Thoa: