- Được lắm chứ. Thức đến sáng cũng được.
- Vậy chia công ty, nhé?
Chân tổ tôm được bảy mươi nhăm đồng, Viết giữ phần mình ba mươi
nhăm đồng, và đưa cho Thoa bốn chục.
San mời Viết ngủ ở phòng bên, cái phòng riêng để Thoa và San nghỉ
trưa. (Mỗi lần nhà có khách thì đó là phòng khách. Vả trừ Viết ra, cũng có
ít khi khách ngủ đêm). Rồi chàng lên gác để mặc ba người xoay nhau trong
cuộc đỏ đen.
Từ đó, tiếng cười nổ như gạo rang. Cặp tình nhân chỉ nghĩ tìm những câu
ý tứ để nói với nhau. Viết chẳng thiết gì được, nhường Thoa từng cái
phỗng, từng cây bài ăn tốt. Vả chàng chỉ muốn chóng thua chỗ tiền được tổ
tôm để đi ngủ. Quả một giờ sau, số tiền ấy hết, và chàng tống nổi ông chủ
bưu điện về nhà: ông ta vui mừng vì đã gỡ được ba chục bạc.
Tám giờ sáng hôm sau, Viết rửa mặt vội vàng, rồi hấp tấp mặc áo, đi
giầy để ra toà sứ, vì hôm ấy là ngày hội thương đầu tháng. Trước kia, hội
thương vẫn nhằm vào ngày thứ ba, nhưng ông Công sứ lấy cớ rằng ngày ấy
là một ngày làm việc, các ông Phủ, ông Huyện lên tỉnh không tiện, nên đã
đổi sang ngày chủ nhật.
Ngồi trong ô-tô, trên con đường tới toà sứ, Viết áy náy lo ngại nghĩ đến
những lời đối đáp với quan Công sứ. Sau một đêm thức khuya cờ bạc và ân
ái với tình nhân, chàng cảm thấy tâm hồn chán nản, và nhất là thân thể mỏi
mệt. Chàng chỉ sợ sẽ ngồi ngáp trước mặt ông Công sứ.
Chàng vẫn biết được quan thầy quí mến, và bênh vực, nhất là từ khi có
phán San làm tay trong, luôn luôn nói tốt cho mình. Nhưng tình cảm của
người Pháp bao giờ cũng ở trong giới hạn, điều ấy chàng không dám quên.
Dù được họ yêu đến đâu, khi có lỗi, họ cũng không tha thứ dễ dàng như
mình tưởng: Người bồi thân tín của ông công sứ mà Viết đã làm cho bị đuổi
năm trước, đó là một chứng cớ hiển nhiên.
Ô-tô qua khách sạn. Viết bảo tài xế dừng lại, vào uống một cốc cà phê
đặc nóng. Chàng thấy tinh thần tỉnh táo sáng suốt hơn lên.
Đến toà sứ. Bọn đồng liêu đã đông đủ đứng đợi ở sân, dưới rặng cây
long não cao vút lá nhỏ bóng loáng chấp chới rung trong gió. Một người