- Nói dễ nghe nhỉ! Cứ một chữ "cũng tốt" mà người ta bỏ đi cho chữ
"cũng", cũng đủ khá, cũng đủ thăng!
Rồi chàng nói lảng, để xa hẳn câu chuyện người đàn bà:
- Mợ ạ, cụ Tuần này lạ quá, đến hay có cái thói quen dùng chữ "cũng":
cũng tốt, cũng chăm, cũng thông minh. Có lẽ cụ không thạo tiếng An Nam,
và không hiểu cái tai hại của chữ "cũng" cụ dùng sai, cụ dùng không phải
chỗ.
Viết mỉm cười hỏi tiếp:
- Mọ có hiểu "cũng tốt" là thế nào không?
Phụng giọng cáu kỉnh:
- Cũng tốt là cũng tốt, chứ còn gì nữa?
- Không phải nhé. Cũng tốt nghĩa là “cũng tốt vậy thôi", hay “cũng tốt
đấy". Vậy hẳn phải dịch sang chữ Pháp “assez bon". Đằng này ông San ông
ấy bỏ phăng chữ "assez" đi.
Phụng đã chú ý đến câu chuyện:
- Nhưng hình như quan chánh đọc được quốc ngữ. Dịch sai thế liệu có
việc gì không?
- Việc gì! Vì người Pháp thì hiểu sao được chữ "cũng". Đến cụ Tuần còn
chả hiểu nữa là!... Nhưng bàn tán làm gì? Chỉ biết mình được thăng tri
huyện hạng nhất đúng hạn, mà được thăng là nhờ cụ chánh, cái đó đã cố
nhiên, nhưng cũng nhờ ơn ông phán San nhiều lắm.
- À, tháng nay đã được ăn lương hạng nhất chưa, nhỉ?
Viết cười:
- Hừ! nói lương lậu làm gì? Bất quá tăng mười đồng bạc chứ bao
nhiêu… Hai năm cũng chả đủ… tạ ơn.
Sau một cái ngáp dài, Viết nói tiếp:
- Nhưng đi ngủ thôi, tôi mệt lắm.
- Cậu uống cà phê nhé?
- Chết, uống cà phê thì ngủ sao được?
- Thế cậu nhất định không xem thư của thầy đấy?
- Trong thư thầy nói gì thế, mợ?
- Thầy bảo về nhà chơi.